#NokiaLumia525 #Đánhgiámáylumia #WindowsPhone #Smartphone #Camera #RAM #MànHình #Lumia520 #SamsungGalaxyTrendPlus #GiaoDiện #ChụpẢnh #QuayPhim #ChiếcLumia525 #AIG #BảoHiểm #ĐiệnThoạiDiĐộng #SảnPhẩmMớiNhất #ThịTrườngSmartphone #ThayThếHoànHảo #NokiaVietNam #TínhNăngMới #ChấtLượngMáyỔnĐịnh #NgườiMuaHàng #NângCấpMáy #SứcHút #ThiếtKếMới
Lumia 525, bản nâng cấp nhẹ của Lumia 520 với dung lượng RAM được tăng lên gấp đôi nhằm làm mới sức hút của Windows Phone ở phân khúc giá rẻ.
Chiếc Nokia Lumia 520 được xem là thiết bị Windows Phone bán chạy nhất trên thị trường bởi nó mang lại trải nghiệm tốt với giá bán hấp dẫn. Sau thành công đó, Nokia vừa tung ra thị trường chiếc Lumia 525 với mục đích thay thế hoàn hảo cho người tiền nhiệm của mình.
Bước đi này của Nokia tương đối giống với chiến lược của Samsung ở phân khúc giá rẻ. Trước thời điểm Nokia ra mắt Lumia 525 khoảng vài tuần, Samsung đã tung ra thị trường chiếc Galaxy Trend Plus, bản nâng cấp nhẹ về sức mạnh xử lý của chiếc Galaxy Trend – đối thủ lớn của Lumia 520 ở mức giá dưới 4 triệu đồng.
Nokia bắt đầu bán Lumia 525 từ ngày 15/12 và Việt Nam là thị trường đầu tiên trên toàn cầu đón nhận sản phẩm này. Máy có giá bán 3,49 triệu đồng, hiện đắt hơn 500.000 đồng so với chiếc Lumia 520. Ngoài việc tăng RAM, Nokia còn tạo thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm này bằng gói bảo hiểm AIG trị giá 7 triệu dành cho những người mua Lumia 525 trong thời gian từ ngày 15/12/2013 đến ngày 14/12/2014. Với gói bảo hiểm này, người mua Lumia 525 sẽ được sửa chữa hoặc đổi máy miễn phí (1 lần) trong trường hợp vô tình rơi vỡ hoặc dính nước.
Liệu những thứ đó có đủ để Lumia 525 tiếp tục duy trì sự thu hút trong phân khúc smartphone giá rẻ?
Lumia 525
Thiết kế
Kiểu dáng và kích thước của Lumia 525 và 520 giống nhau y như đúc, không có chi tiết nào để phân biệt được sự khác nhau giữa hai sản phẩm. Tất cả các chi tiết thiết kế từ các phím điều khiển và các cổng kết nối trên các cạnh, khe loa cho đến thành phần camera trên hai máy đều tương tự. Tấm vỏ màu sắc của máy ốp kín mặt sau và các cạnh của Lumia 525 và 520 có thể lắp chung cho nhau được.
Lumia 525 (trái) và Lumia 520 (bên phải) giống hệt nhau về thiết kế
Sự khác biệt về thiết kế duy nhất có lẽ là ở tấm vỏ. Lumia 525 hiện có 4 lựa chọn màu vỏ máy gồm đen, trắng, vàng và đỏ. Các tấm vỏ này đều được phủ lớp sơn bóng, chứ không phải là sơn mịn như vỏ máy của Lumia 520. Về tính thẩm mỹ, vỏ nhựa bóng trông nổi bật hơn, nhưng trơn tay hơn tấm vỏ sơn mịn và có thể đối với một số người dùng thì trông nó cũng lòe loẹt hơn.
Tấm vỏ máy của Lumia 525 (trái) được sơn bóng, còn vỏ của Lumia 520 (bên phải) sơn nhám hơn
Phía bên trong máy, sự khác biệt duy nhất giữa Lumia 525 và sản phẩm tiền nhiệm là ở thành phần RAM. Lumia 525 có RAM 1GB, gấp đôi RAM 512MB của 520. Điều này có thể sẽ giúp máy có hiệu năng tốt hơn và đặc biệt là không còn lo ngại về giới hạn RAM khi cài đặt ứng dụng như trên sản phẩm tiền nhiệm. Theo một thống kê thực hiện giữa năm 2013, chỉ có một tỷ lệ nhỏ (0,24%) trong số hơn 150.000 ứng dụng trên kho Windows Phone Store (mới đây tăng lên 200.000 ứng dụng) không hỗ trợ thiết bị RAM 512MB nhưng vấn đề là đa số các ứng dụng đó là những game đình đám của hai hãng Gameloft và EA Games.
Các camera, nguồn và tăng giảm âm lượng bên cạnh phải
Ngoài RAM, các thành phần khác của Lumia 525 đều tương tự 520, vẫn là bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon S4 Plus lõi kép 1GHz, bộ nhớ trong 8GB (còn khoảng 4GB trống cho người dùng), khe cắm thẻ nhớ mở rộng tới 64GB, khay SIM thuộc loại SIM nhỏ (micro-SIM), viên pin rời dung lượng 1430 mAh, camera 5MP không có đèn LED flash trợ sáng và không có camera trước, màn hình IPS LCD 4 inch độ phân giải 800 x 480 pixel. Máy hỗ trợ các kết nối cơ bản (3G, Wi-Fi, Bluetooth, GPS) và có tính năng Wi-Fi Hotspot phát sóng cho 8 thiết bị kết nối cùng lúc.
Nói một cách ngắn gọn, Lumia 525 là bản nâng cấp nhẹ về dung lượng RAM so với Lumia 520.
Giắc âm thanh trên đỉnh máy (trái) và cổng sạc microUSB ở đáy máy (bên phải)
Màn hình
Màn hình là thành phần Lumia 525 kế thừa từ người tiền nhiệm. Máy sử dụng màn hình IPS LCD kích cỡ 4 inch, độ phân giải 800 x 480 pixel cho mật độ điểm ảnh 235 PPI, đủ sắc nét để đọc báo mạng và hiển thị các loại nội dung khác ở mức dễ nhìn.
Tương tự Lumia 520, màn hình của Lumia 525 cũng hỗ trợ cảm biến siêu nhạy, có thể sử dụng được khi đeo găng tay, chạm bằng móng tay hoặc một số vật phẩm khác bằng kim loại như thìa, dĩa và chìa khóa và có cảm biến ánh sáng để tự động điều chỉnh độ sáng theo ánh sáng môi trường. Màn hình của máy cũng có tấm kính bảo vệ nhưng không phải là loại kính Gorilla Glass cao cấp.
Màn hình của Lumia 525 và 520 đủ sắc nét để đọc báo mạng thoải mái nhưng độ sáng tối đa của màn hình hơi thấp
Các màu sắc hiển thị trên màn hình khá chuẩn. Góc nhìn cũng đủ rộng để chơi các game cần nghiêng màn hình như game đua xe Asphalt 8, màu sắc chỉ bị thay đổi nhẹ khi nhìn vào từ các góc khác nhau. Tuy vậy, độ sáng tối đa của màn hình hơi thấp, chỉ đạt gần 300 nits, so với các màn hình điện thoại tầm trung hiện nay thông thường đạt khoảng 370 nits trở lên.
Máy có 3 mức điều chỉnh độ sáng màn hình: thấp, trung bình và cao. Khi lướt web ở môi trường ánh sáng đèn trong nhà, chúng tôi thường chọn độ sáng cao nhất để đọc tin và cập nhật Facebook mới thấy thoải mái cho mắt. Nếu đặt độ sáng ở mức trung bình hoặc thấp thì vẫn có thể đọc được nhưng hơi tối. Một điểm hạn chế nhỏ nữa ở màn hình của Lumia 525 cũng như 520 là không có lớp phản quang ClearBlack như các dòng Lumia đắt tiền hơn nên bị bóng khá nhiều. Khi xem ở ngoài trời, màn hình vẫn có thể nhìn được nhưng phải đặt độ sáng lên mức cao và phải nhìn thẳng vào màn hình, nếu nhìn hơi chếch sẽ bị bóng và rất mờ.
Chụp ảnh và quay phim
Lumia 525 sử dụng camera 5MP giống như Lumia 520. Các thông số camera của hai máy cũng tương tự: hỗ trợ lấy nét tự động, lấy nét cảm ứng trên màn hình, ống kính khẩu f/2.4, zoom số 4x, quay phim độ phân giải HD 720p với tốc độ 30 fps, khoảng cách lấy nét cận cảnh tối thiểu là 10cm và cũng không có camera trước.
Ứng dụng máy ảnh mặc định cho phép điều chỉnh các thông số cơ bản:cảnh chụp (tự động, cận cảnh, ban đêm, thể thao), ISO (100-800), phơi sáng, cân bằng trắng, tỷ lệ khung ảnh (16:9, 4:3), chất lượng video (720p hoặc WVGA), bật hoặc tắt lấy nét liên tục khi quay. Ngoài ra, máy còn được cài sẵn một số ứng dụng chụp ảnh khác, gồm: Nokia Cinemagraph để chụp ảnh các hình ảnh động GIF; ứng dụng Nokia Glam Me chụp ảnh chân dung có thể chỉnh sửa màu da, mắt, làm trắng răng và các hiệu ứng màu; ứng dụng chụp ảnh toàn cảnh Panorama.
Giao diện của ứng dụng Nokia Camera Beta vừa mới ra mắt dành cho các dòng máy Lumia
Bên cạnh đó, vừa mới đây Nokia đã tung ra ứng dụng Nokia Camera Beta dành cho mọi máy Lumia cả cao cấp và thấp cấp. Đây là ứng dụng kết hợp giữa Nokia Pro Cam (phần mềm điều chỉnh nhiều thông số chụp ảnh) và Nokia Smart Camera (phần mềm chụp chuỗi ảnh sau đó áp các hiệu ứng thông minh nhưchọn ra tấm ảnh đẹp nhất, xóa vật thể chuyển động, thay đổi khuôn mặt trong ảnh…) trước đó chỉ dành cho các dòng Lumia cao cấp từ 9xx (như Lumia 920, 925) trở lên. Ứng dụng này cũng hỗ trợ chụp ảnh RAW nhưng tính năng này hiện chỉ dùng được trên các máy Lumia 1520 và 1020.
Về chất lượng chụp ảnh,Lumia 525 có tốc độ chụp tương đối nhanh và tạo ra các tấm ảnh khá đẹp, màu sắc trung thực khi chụp ngoài trời. Ở điều kiện sáng trong nhà có ánh sáng đèn, máy cũng tạo ra các bức ảnh không tệ với một chiếc smartphone giá rẻ. Trong điều kiện ánh sáng không tốt, ảnh chụp của Lumia 525 cũng chấp nhận được, nhưng việc thiếu đèn flash sẽ khiến máy không chụp được ở những chỗ không có ánh đèn.
Một số ảnh chụp từ máy:
Khi quay phim, máy có thể quay được phim độ phân giải HD (1280 x 720 pixel) hoặc WVGA (800 x 480 pixel) ở định dạng MP4 với tốc độ 30 khung hình mỗi giây (fps). Máy cho phép bật hoặc tắt lấy nét liên tục và zoom số trong khi quay nhưng nên thật hạn chế dùng zoom số bởi rất dễ làm vỡ hình. Chất lượng video cũng khá ổn khi quay ở môi trường nhiều sáng, màu sắc chuẩn, khung hình khá mượt và âm thanh tuy không phải stereo nhưng có thể nghe được tương đối rõ.
Phần mềm
Lumia 525 chạy phiên bản Windows Phone 8 mới (GDR3) cùng với bản cập nhật phần mềm Lumia Black của Nokia. Bản cập nhật GDR3 mang lại một số cải tiến nhỏ như chế độ lái xe (tắt các thông báo, tin nhắn và cuộc gọi hoặc thiết lập để máy trả lời cuộc gọi bằng tin nhắn tự động), khóa xoay màn hình, khả năng đóng ứng dụng trong mục chuyển đổi giữa các ứng dụng đang mở.
Các tính năng mới được đưa vào phiên bản Windows Phone GDR3 trên Lumia 525: chế độ lái xe, tắt/bật xoay màn hình và tắt ứng dụng trong mục chuyển đổi các ứng dụng đang mở
Trong khi đó, bản cập nhật Lumia Black bổ sung một số cải tiến riêng cho các máy Windows Phone 8 của Nokia như khả năng tương thích với phần mềm Nokia Camera Beta vừa đề cập ở phần nói về máy ảnh; hỗ trợ Bluetooth 4.0 LE (còn gọi là Bluetooth Smart) tiêu hao điện năng thấp, cho phép điện thoại đồng bộ nền liên tục với phụ kiện mà không tốn nhiều pin; hỗ trợ định dạng ảnh DNG (RAW) và tính năng hiển thị giờ trên màn hình khóa Glance Screen. Tuy vậy, không phải tính năng nào của bản Lumia Black cũng hỗ trợ 525. Cụ thể, định dạng ảnh RAW và tính năng Glance Screen không hoạt động trên Lumia 525.
Ngoài ra, máy còn có một số tính năng đáng chú ý khác kế thừa từ bản cập nhật GDR2 và Amber như chạm hai lần để mở khóa màn hình, tự động chặn tin nhắn và cuộc gọi, lật úp máy để tắt chuông cuộc gọi, điều chỉnh nhiệt màu và gam màu của màn hình. Xem thêm bài Các tính năng mới của bản cập nhật GDR2 và Amber.
So với các nền tảng Android và iOS, Windows Phone 8 vẫn tồn tại một số hạn chế, đáng chú ý là số lượng ứng dụng dành cho người dùng ít hơn (hiện có 200.000 ứng dụng so với khoảng 1 triệu của hai nền tảng iOS và Android), thiếu thanh thông báo tập trung và khả năng tùy biến nút tìm kiếm (hiện mặc định mở trang tìm kiếm dù đang ở bất kì ứng dụng nào).
Hiệu năng hoạt động
Hiệu năng hoạt động nhanh nhẹn luôn là thế mạnh của các điện thoại Windows Phone, đặc biệt khi so sánh với các máy Android ở phân khúc giá rẻ, nhờ hệ điều hành được tối ưu tốt.
Khi sử dụng thông thường như di chuyển giữa các màn hình, mở trang web hay các ứng dụng cơ bản trên điện thoại, dung lượng RAM lớn hơn của Lumia 525 không tác động nhiều tới trải nghiệm của máy so với Lumia 520. Cả hai máy đều đáp ứng mượt mà hơn hẳn nếu so với smartphone Android giá rẻ, chơi game không bị chậm (lag) hay rớt khung hình, thậm chí cả khi chơi các game nặng như Asphalt 8.
Máy chơi khá mượt game Asphalt 8
Lumia 525 chơi được các video với độ phân giải tới Full HD (1080p). Windows Phone 8 hỗ trợ khá nhiều định dạng video thông dụng như MP4, WMV, AVI, M4V… nhưng định dạng được chia sẻ nhiều nhất là MKV lại không được hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề này có thể xử lý nếu người dùng tải một số ứng dụng xem phim trên kho Windows Phone Store như MoliPlayer Pro.
Như đã đề cập ở trên, dung lượng RAM lớn hơn của Lumia 525 giúp người dùng điện thoại này không còn phải lo ngại về giới hạn RAM khi cài đặt ứng dụng trên kho Windows Phone Store. Số lượng ứng dụng Windows Phone không hỗ trợ thiết bị chạy RAM 512MB trở về không nhiều nhưng đó thường là những ứng dụng hấp dẫn, đặc biệt là game. Chẳng hạn, game Temple Run 2 vừa ra mắt trên nền tảng Windows Phone hiện tại mới hỗ trợ các thiết bị có RAM 1GB như Lumia 525.Tuy nhiên, người dùng cũng lưu ý là bộ nhớ trong của máy chỉ còn khoảng 4GB trống dành cho người dùng. Số lượng bộ nhớ này sẽ rất nhanh hết sau khi cài đặt một số game và ứng dụng. Máy có thẻ nhớ mở rộng được tới 64GB nhưng thẻ nhớ chỉ dùng để lưu ảnh, phim và file nhạc chứ không cài đặt ứng dụng được.
Về thời gian pin, Lumia 525 vẫn sử dụng pin dung lượng 1.430 mAh tương tự sản phẩm tiền nhiệm. Theo thông số của Nokia, máy có thể gọi điện 3G liên tục được 10,6 tiếng, xem phim 5,9 tiếng và nghe nhạc 48 giờ mới hết pin.Chúng tôi hiện chưa có đủ thời gian để đánh giá kỹ thời gian của pin điện thoại này. Khi thử xem phim HD bằng phần mềm MoliPlayer Pro từ lúc pin đầy 100% đến lúc pin 10% trong điều kiện tắt kết nối 3G/Wi-Fi, âm lượng và độ sáng màn hình đặt mức khoảng 70% thì máy chạy được 3 giờ 43 phút, thấp hơn khá nhiều so với thông số của nhà sản xuất đưa ra. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập đánh giá chi tiết hơn về thời gian pin của điện thoại này để bạn đọc tham khảo.
Kết luận
Đây là bản nâng cấp nhẹ của Lumia 520. Sự bổ sung RAM giúp máy hỗ trợ ứng dụng đầy đủ hơn, không còn lo giới hạn về RAM nhỏ nữa. Ngoài ra, máy cũng được cập nhật bản Lumia Black mới có thêm vài tính năng nhỏ. Các yếu tố còn lại đều kế thừa nguyên vẹn từ sản phẩm tiền nhiệm Lumia 520.
So với các đối thủ Android, Lumia 525 có ưu điểm là thiết kế nhiều màu, khả năng chụp ảnh tốt và đặc biệt là trải nghiệm mượt mà hơn hẳn. Tuy nhiên, điểm yếu lớn của Lumia 525 và các máy Windows Phone nói chung là số lượng ứng dụng ít phong phú hơn nhiều.
Ở cùng tầm giá của máy, Lumia 525 hiện có một số đối thủ đáng chú ý như hai anh em Galaxy Trend và Galaxy Trend Plus của Samsung chạy Android, chiếc HTC 8S cũng chạy Windows Phone 8 vừa được giảm giá mạnh và cả chính người tiền nhiệm của nó là Lumia 520.
[ad_2]