Gà bị cầu trùng là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể hủy hoại cả đàn gà của gia đình bạn. Hãy tham khảo nội dung để biết các dấu hiệu, cách chữa trị, phòng chống căn bệnh này cho đàn gà của bạn.
Gà bị cầu trùng là bệnh gì?
Bệnh cầu trùng ở gà là một căn bệnh do loài ký sinh trùng đơn bào gây ra và có thể truyền nhiễm. Có nhiều loài ký sinh trùng gây bệnh cho gia cầm, trong đó giống ký sinh gây bệnh cầu trùng cho gà là Eimeria với 2 loài chủ yếu là:
- Eimeria necatrix (ký sinh trùng ở ruột non – gà bị cầu trùng ruột non)
- Eimeria tenella (ký sinh ở manh tràng – ruột già)
Các ký sinh gây bệnh cầu trùng cho gà thường lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trong quá trình gà thả vườn đi kiếm ăn, chúng ăn phải các loại thức ăn không sạch có chứa nang của cầu trùng hoặc uống nước đã bị nhiễm mầm bệnh.
Thời gian đầu, những loại ký sinh này sẽ làm tổn thương tế bào thượng bì ở ruột gà, gây ra những rối loạn tiêu hóa. Việc này dẫn đến tình trạng gà không hấp thu được dinh dưỡng, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm hiệu quả chuyển hóa các chất dinh dưỡng. Cuối cùng gà sẽ bị chết do còi cọc, chậm lớn với tỷ lệ tử vong ở gà bị cầu trùng từ 20 – 30%.
Bệnh cầu trùng ở gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi của gà, trong đó, tỷ lệ nhiều nhất là gà con bị bệnh cầu trùng trong khoảng độ tuổi từ 2 – 8 tuần tuổi. Dù bạn nuôi gà theo hình thức công nghiệp, gà thả vườn, bán công nghiệp,… đều có thể mắc căn bệnh này.
Biểu hiện gà bị cầu trùng
Triệu chứng gà bị cầu trùng rõ rệt nhất chính là việc gà thường xuyên bỏ ăn, chúng thường khát nước nên uống rất nhiều nước. Ngoài ra, nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy gà có nhiều biểu hiện bệnh khác.
Trong đó, mỗi giai đoạn bệnh khác nhau gà sẽ có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể như dưới đây:
Gà bị cầu trùng thể cấp tính
Khi gà mắc bệnh ở giai đoạn này, biểu hiện dễ thấy nhất chính là việc gà thường bỏ ăn/kém ăn nhưng lại khát nước và uống nước nhiều. Ngoài ra, nếu bạn quan sát kỹ bạn sẽ thấy những chú gà này thường xuyên ở trong trạng thái mệt mỏi, ủ rũ và gặp khó khăn trong việc di chuyển, vận động.
Ở thể cấp tính, phân gà thường có bọt màu vàng hoặc màu nâu đỏ. Sau một thời gian phân sẽ có lẫn với máu. Nếu bạn không có phương pháp chữa trị kịp thời, chỉ sau 1 thời gian ngắn gà đi ngoài sẽ chỉ có toàn máu.
Kể từ khi gà có những biểu hiện đầu tiên đến thời gian khoảng một tuần nhiễm bệnh gà, nếu không có những can thiệp kịp thời, cho đến khi gà có biểu hiện co giật thì tỷ lệ chết ở giai đoạn này có thể lên tới 70 – 80%.
Gà bị cầu trùng thể mãn tính
Thể mãn tính thường gặp ở những con gà trong độ tuổi khoảng 90 ngày tuổi. Tuy nhiên, gà càng có tuổi thì bệnh sẽ càng nhẹ với những biểu hiện cụ thể như:
- Gà thường bị đi ngoài phân sống, ỉa chảy do không tiêu hóa thức ăn kịp thời. Ngoài ra, một số gà khi đi ngoài phân có lẫn màu đen hoặc lẫn với một ít máu.
- Lông gà không mượt, thậm chí bị xù lông.
- Gà bị cầu trùng ở độ tuổi này sẽ thường gặp khó khăn trong việc đi lại, thường xuyên ở trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu.
Tuy nhiên, bệnh cầu trùng ở thể này tiến triển không quá nhanh và cũng không gây nguy hiểm như ở thể cấp tính. Trường hợp nặng nhất là dẫn đến niêm mạc ruột sẽ bị hư hại nặng. Từ đó quá trình trao đổi dinh dưỡng ở gà kém, khó hấp thu, chậm lớn, còi còi,…
Gà bị cầu trùng thể mang trùng
Thể mang trùng hay còn được gọi với tên khác là thể ẩn bệnh, đây là một thể bệnh khá phức tạp thường gặp ở những con gà ở giai đoạn trưởng thành hoặc ở giai đoạn sinh đẻ.
Khi gà bị cầu trùng thể mang trùng, gà vẫn ăn uống bình thường, đi lại khỏe mạnh, không đi ngoài tiêu chảy. Tuy nhiên, tác hại của thể này đối với gà là giảm tỷ lệ đẻ trứng tới 15 – 20%.
Vì vậy, trong nhiều gia đình thường không phát hiện ra dấu hiệu bệnh của gà.
Phòng chống gà bị bệnh cầu trùng
Sau đây là những biện pháp để phòng chống căn bệnh cầu trùng, bảo vệ đàn gà của bạn luôn khỏe mạnh.
Vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi gà
Cách phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm kinh tế nhất chính là bạn nên thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi.
- Chuồng trại luôn phải đảm bảo thông thoáng, không để quá lạnh hoặc quá nóng đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gà.
- Bạn nên trang bị cho nền chuồng một lớp độn chuồng có khả năng hút ẩm để nền luôn khô ráo, không tạo điều kiện cho virus lây lan.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ ăn uống của gà như máng ăn, máng uống
- Thức ăn, nước uống phải được đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y, tránh trường hợp nền chuồng có chứa các mầm bệnh lây lan qua thức ăn đi vào cơ thể gà.
- Sau mỗi đợt chăn nuôi, gia đình bạn phải quét dọn vệ sinh sạch sẽ, nên thực hiện ủ phân gà với vôi bột để tiêu diệt mọi nguy cơ phát sinh mầm bệnh trước khi bắt đầu một đợt chăn nuôi mới.
- Nếu nhà bạn nuôi gà thả vườn thì bạn có thể tiến hành vệ sinh bằng cách rải một lớp cát trên sân để ngăn chặn mầm bệnh.
- Định kỳ phun khử trùng tiêu độc môi trường chuồng trại chăn nuôi bằng một trong số những loại hóa chất như sau: BENKOCID, BIO-IODINE, Han-IODINE,…
Phòng bệnh cầu trùng ở gà bằng vacxin và thuốc
- Đối với gà từ 3 – 7 ngày tuổi nên sử dụng vaccine nhược độc để hòa vào nước hoặc trộn chung với thức ăn có tác dụng phòng bệnh cầu trùng đa giá ở gà. Vacxin được sản xuất bởi Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương 1 -sVI NAVECO nên uy tín và có hiệu quả chủng ngừa sau khoảng 14 ngày kéo dài đến thời điểm gà xuất chuồng.
- Thường xuyên bổ sung vào thức ăn, nước uống của gà các loại B-Complex, các chất điện giải. Những loại này có tác dụng tăng sức đề kháng của gà, giúp gà có hệ miễn dịch tốt nhất, phòng chống bệnh cầu trùng.
- Sử dụng các loại thuốc như Vinacoc, Sulfacoc, Hancoc,… liên tục trong khoảng 3 ngày với liều lượng như sau: 1g thuốc/2 lít nước hoặc 1g thuốc/1kg thức ăn.
Cách chữa gà bị cầu trùng
Nếu bạn đã phát hiện gà bị bệnh cầu trùng, việc đầu tiên bạn nên làm là cách ly con gà đó với đàn để tránh trường hợp lây nhiễm sang những con khỏe mạnh. Sau đó bạn tiến hành vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng tốt và bổ sung chất điện giải, ADEcomplex, vitaminK,… để gà khỏe mạnh, có đề kháng tốt.
Tiếp theo, để chữa trị cho gà bị cầu trùng, bạn có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây:
- Vinacoc, Hancoc hoặc Sulfacoc với liều lượng như sau: hòa 4g thuốc/lít nước cho gà và để chúng uống liên tục trong khoảng 3 ngày rồi tiếp tục theo dõi. Trong vòng 3 ngày bạn thấy gà vẫn chưa khỏi bệnh hẳn thì 5 ngày sau, bạn tiếp tục cho gà uống thuốc với liều lượng và cách làm như trên trong 2 ngày nữa.
- Vime anticoc với liều lượng sử dụng như sau: hòa 1g thuốc với 1lít nước sạch cho gà uống hoặc hòa 5g thuốc với 4,5kg thức ăn của gà. Cho gà sử dụng thuốc với liều lượng như trên liên tục trong vòng 5 ngày và theo dõi.
- Nova-coc với liều lượng và cách dùng như sau: hòa 2g thuốc với 1 lít nước và cho gà sử dụng liên tục trong 3 ngày. Sau đó nếu gà vẫn không có tiến triển thì ngưng dùng thuốc trong 2 ngày rồi tiếp tục dùng thuốc với liều lượng như trên trong 2 ngày tiếp.
Trên đây là những hướng dẫn các dấu hiệu và cách phòng, trị bệnh gà bị cầu trùng. Hi vọng những chia sẻ trên của Chợ Tốt sẽ có ích với gia đình bạn.