Vị Thầy Chu: Hấp dẫn và Sâu Sắc

#SựKiệnHômNay #NgàyThầyChu #SựKiệnThầyChu #VănHóaViệtNam #GiáoDụcTruyềnThống #LịchSửLàngQuê #TruyềnThốngVàĐổiMới

Nguồn: https://baohaiduong.vn/thay-chu-363593.html

thay-chu(1).jpg

Nhà thầy dựng theo kiểu từ cửa có hai dãy cột gỗ nhỏ đưa thẳng vào chính đường, có hương án, có bàn thấp ngồi tô chữ hai bên, giữa nhà có giếng trời ngăn cách với khu bếp và nhà nghỉ của thầy Chu. Kiểu kiến trúc này giống ngôi nhà của người ngoài Tràng An, bề thế gia giáo chứ không giống nhà mái rạ hai chái thấp tối xuềnh xoàng ở vùng quê nghèo chân núi Phượng nơi đây.

Có người nói, ngôi nhà là một kiểu nhà giàu có ở quê thầy Chu tít tận huyện Thanh Đàm. Thầy cho xây ngôi nhà này là để đỡ nhớ quê cũ. Cũng có người bảo, kiểu cách cao ráo này giống nhà học ở khu Thái Học phía sau Văn Miếu , nơi thầy dạy học bao năm, thầy còn đỗ Thái học sinh, nổi tiếng là thầy giáo giỏi được vua mời ra làm Tư nghiệp là gì.

Thầy Chu không giải thích gì nhiều cho mọi người. Thầy không bao giờ nói gì về quê hương hay chuyện ở kinh thành. Thầy không oán trách hay bi phẫn, tiếc nuối quá khứ, thầy chỉ sống trong hiện tại. Thầy bảo, nhà thầy xây xong rồi, giờ lũ trẻ con trong vùng cho chúng nó đến hết đây. Đứa nào ngoan ngoãn chăm học, thầy sẽ chỉ dạy, còn đứa nào ngỗ ngược hỗn láo, thầy sẽ dạy dỗ, vừa dạy vừa dỗ. Không có đứa trẻ nào hư cả, chỉ có thầy giáo có thời gian và lòng kiên nhẫn để chỉ dạy chúng hay không thôi. Ban ngày lũ trẻ ở trường nhà thầy, chiều ríu rít về nấu cơm cho bố mẹ.

Nhưng cũng có những đứa muốn đến học lắm mà bố mẹ không cho, vì ban ngày chúng nó còn phải đi mò cua, chăn trâu, lùa vịt, lên núi hái thuốc nam cùng bố mẹ. Nhà nghèo là tội to nhất, đứa hư hay ngoan đều phải gánh cái tội ấy mà không được đến trường. Những đứa trẻ mắc tội nghèo như thế, thầy cho phép chúng tới học vào buổi chiều chập choạng tối, dù thầy sẽ phải tốn thêm tiền mua nến, thắp đèn lên.

Nhiều buổi chiều tối, nhà thầy Chu là ngôi nhà sáng nhất vùng. Cũng là ngôi nhà giàu có hơi ấm và tình yêu, nhiều chữ, nhiều tiếng cười nhất dưới chân hai ngọn núi. Thầy chỉ lấy học phí từ lũ trẻ bằng vài quả trứng gà, cân đỗ xanh, mớ cua mà cha chúng vừa móc được, hoặc gói miến dong đặc sản của vùng do mẹ chúng vừa phơi xong, vừa đủ để thầy ăn uống đạm bạc và duy trì lớp học.

Những người già đều bảo, người thất chí và thất sủng như thầy Chu mà chịu về đây là phúc lớn cho vùng quê chúng ta. Cả nước chỉ có thầy là ngôi sao sáng nhất, nổi tiếng về học vấn và tấm lòng với con người! Nhưng chỗ ông lý trưởng thì thậm thụt bàn tán, tâm trí huyết lực của thầy Chu dành cả cho đất nước mà chẳng đổi lại nổi vài cân dầu nến hay ít bổng lộc nào sống được qua ngày, quả là người kỳ lạ. Giá như thầy đừng mang sách về, thầy đổi đống sách kia bằng vàng bạc, thì đống hành lý thầy mang về đây hẳn đã xây được cả một tư dinh đồ sộ.

Thầy Chu không dư dả lắm. Có lần một học trò nghèo chuyên đi học lúc trời chạng vạng tối, đã nộp học phí bằng một con cá chép lớn còn quẫy đành đạch như mới vớt dưới đầm lên, thầy Chu còn tỏ ra kinh ngạc. Thầy nói, đấy là món học phí quá lớn và thầy không chịu nhận, kêu thả con cá đi. Con cá lớn khổng lồ thế này, giờ lại đang mùa trăng, mùa sinh sản của cá chép, thả nó về để người chài lưới năm sau có thêm đàn cá mới. Bảo vệ cá cũng là bảo vệ cuộc sống lâu dài của con người. Chứ thầy đâu cần cao lương mỹ vị. Chỉ một cái đuôi cá khô bé xíu thầy cũng xong một bữa cơm xoàng.

Cậu học trò áo ướt sũng, tóc bê bết nước như vừa từ ao bước lên, cúi đầu cảm tạ thầy rồi lại bê con cá chép đi. Thầy tò mò ngó theo, thấy cậu đi về phía khúc sông thủy thần, một loáng rồi mất hút. Không biết nhà cậu ở đâu, cậu là con ai, nhưng cậu học rất chăm. Chỉ có điều, những ngày mưa, cậu sẽ trốn học. Cũng có những lần, thầy Chu nhìn thấy cậu học xong lại đi về phía đầm lớn, biến mất rất nhanh sau rặng cây thấp bờ đầm, nơi không hề còn đường hay nhà dân nào.

Thầy Chu đứng nghĩ ngợi mãi cho tới lúc trăng đã lên, soi bóng thầy lên sân ngắn và gầy bên bóng cây cau lắc lư đang thời kỳ ra hoa, hương thoang thoảng quanh vườn. Lũ học trò trong nhà tập viết xong thư pháp, bắt đầu bỏ bút lông trêu đùa nhau lao xao…

Cau non nhà thầy Chu chưa kịp trỗ hết buồng thì đã héo quắt, rũ rượi xuống rồi rụng vàng héo quanh gốc cây. Những cây hoa mộc ướp trà quanh nhà cũng chết khô cả lượt chỉ trong một tuần lễ vì đợt nắng dữ dội, mặt đất nóng bỏng, nứt nẻ, ruộng rẽ ra những vết chân chim khô cháy. Ao cạn, những con cua ngoi lên giương mắt nhìn mặt trời, rồi chạy trốn. Lũ cá diếc, cá rô không trốn được lên bờ như cua, thoi thóp ngáp giữa lòng ao cạn, rồi chết giữa đám nước ao bốc hơi nóng rẫy.

Chưa đầy một mùa trăng mà nạn đói đã đến rất gần. Lớp học ở nhà thầy Chu vơi đi một nửa. Có đứa đã phải lên kinh thành ăn mày đất khách. Cũng có đứa phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi kiếm ăn xa hơn, mong kiếm chút gì bù đắp cho hoa màu mất trắng vì hạn hán. Cũng có đứa nghỉ học vì chữ không làm cho chúng no bụng… Làng quê về tối u ám, chỉ có ánh trăng chòng chọc dõi xuống mặt đất trắng xóa vì hạn. Và ngôi nhà thầy Chu leo lét ánh đèn của mỗi mình cậu học trò tặng cá chép lần trước. Cậu vẫn chăm chỉ học.

Chưa bao giờ thầy Chu mong cậu học trò ấy trốn học, nghỉ học như bây giờ. Thầy nôn nao, đi ra đi vào, mài mực trên nghiên chưa xong đã đi rót trà, uống chưa xong chén trà đã vào nhìn vở tập của trò, nhìn một lúc vẫn chưa nghĩ ra nên phê câu gì lên giấy. Cậu học trò biết ý, bèn đi rót thêm chén trà cho đầy, rồi cắm cúi mài nốt viên mực trên nghiên đá của thầy.

Thầy Chu ngồi khoanh chân, uống chén trà đã nguội, rồi bảo học trò:

– Thầy cảm ơn con. Chỉ còn duy nhất con theo học ở ngôi trường này. Không biết bao giờ hạn hán mới qua. Mà làng quê nheo nhóc héo hắt không biết còn cầm cự được bao lâu nữa.

Cậu học trò càng cúi đầu thấp hơn, mài mực chăm chú, không dám thưa lại.

Thầy Chu chậm rãi:

– Mạng người là trên hết. Học cũng là để trở thành người. Học cũng là để giúp đời, cứu người. Thầy không dạy các con học để thi cử đỗ đạt. Vì con thành đạt thì con chỉ cứu được một mình cuộc đời của con thôi. Mà thầy mong các con học để có trách nhiệm với đời. Thì dù không đỗ đạt, con cũng cứu giúp được những người mà con gặp, ở quanh con.

Người học trò phủ phục xuống chiếu, cúi đầu sát đất, dáng vẻ tuyệt vọng, rồi thưa:

– Thưa thầy, con hiểu ý thầy. Con là thủy thần, đáng lẽ con phải quản cho dồi dào tôm cá, nước lúa tràn trề, nhưng ý trời không thể cưỡng lại. Sức con có hạn. Con mang lại mưa móc được thì con cũng là kẻ phải mang lại thiên tai. Nhưng thầy chưa từng nhận học phí của con. Nay con xin mang học phí ấy để giúp cho người đời.

Người học trò ấy xin thầy nghiên mực mới mài trên bàn và cầm theo cây bút lông bước ra sân. Cậu chấm mực hất tung lên mái nhà, ngọn cau, vườn xa, ra phía chân trời đang vằng vặc ánh trăng quầng. Rồi phất áo vứt cả nghiên một phía, bút một nơi. Bỗng chốc gió giông nổi lên cuộn xoáy giữa khoảng sân, cuốn cậu học trò đi. Đất trời như bật tung cây quẳng lên mây và dồn từng quầng mây ném đầy mặt đất, mỗi giọt mưa to như một gàu nước, tát cạn cả dòng sông thủy thần ném thẳng lên bờ. Sấm chớp như muốn lật nghiêng cả vũ trụ. Thầy Chu vội đóng cửa để mưa giông không cuốn hết những sách bút của học trò đang cất trên nóc chạn gỗ gụ.

Cơn mưa gió chỉ nửa canh giờ là tan. Bầu trời quang đãng dưới ánh trăng trong veo mát lành, gió nhẹ thổi qua hơi lạnh. Tất thảy người dân trong vùng đều ùa ra reo hò. Những dòng mương tràn nước, ruộng vườn đất mềm ấm xốp tơi. Mọi người hò nhau ra xem sự lạ, hình như vừa có động đất. Phía chiếc nghiên rơi hiện nên đầm Trạch, còn bút đã tạo nên địa thế Tả Thanh Oai. Nghe đồn, những đêm có trăng sáng vằng vặc, nước ở đầm Trạch không hiểu sao vẫn tối đen như nước mực Tàu vừa mài.

Thầy Chu mở cửa ngôi nhà, cũng là ngôi trường của thầy, bước ra khoảng sân dưới bóng cau. Thầy biết, cậu học trò đó sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Từ ngày mai, lũ trò nhỏ trong vùng sẽ quay lại trường học. Có thể chúng không hề nhận ra sự vắng mặt của một học trò kín tiếng, chúng cũng sẽ tiếp tục chí chóe nhau, viết sai, làm trò hề sau lưng thầy. Chúng không biết một người cao thượng vừa ra đi. Ngay cả việc đơn giản là một lần về ngồi lại một chỗ bên thầy, ngồi xổm tập tô trong bóng nến lập lòe, cậu học trò ấy cũng không bao giờ làm được nữa.

Thầy Chu lặng lẽ. Chính vì trò nên toàn bộ cuộc đời của thầy đã được kể lại theo một cách khác: Không phải là một người thầy chỉ dạy mỗi chữ nghĩa, mà là một người thầy trong tâm trí, người dẫn dắt trong tâm hồn và là người tạo nên những sức mạnh vĩ đại từ tính thiện lương trong cuộc đời mỗi học trò.

TRANG HẠ


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *