Queen Mobile Blog

Danh sách các vị trí trong ngân hàng và mức lương 2022

Hiện nay, thông tin về các vị trí trong ngân hàng luôn được nhiều người quan tâm khi tìm việc, đặc biệt là với các sinh viên vừa tốt nghiệp hay ứng viên ngành tài chính. Các vị trí này luôn là những vị trí quan trọng trong bộ máy hoạt động của các ngân hàng. Vậy các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay có những vị trí nào? Mức lương các vị trí trong ngân hàng là bao nhiêu? Yêu cầu công việc của các vị trí này bao gồm những gì? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Thông tin về các vị trí trong ngân hàng
Thông tin về các vị trí trong ngân hàng được rất nhiều người quan tâm.

Nhân viên quản lý rủi ro (Risk Management Officer)

Nhân viên quản lý rủi ro hay nhân việc quản trị rủi có tên tiếng Anh là Risk Management Officer. Đây là những người phụ trách quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát một cách nhanh nhất.

Ngoài ra vị trí này cũng giúp giảm thiểu những tổn thất đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Nhân viên quản lý rủi ro có trách nhiệm phân tích và dự báo các vấn đề rủi ro có thể xảy ra và lên kế hoạch giảm thiểu rủi ro.

Người quản lý rủi ro cần làm những công việc gì?

  • Tham gia xây dựng; cập nhật và giải thích các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ và kỹ thuật quản lý rủi ro;
  • Đảm bảo chính sách quản lý rủi ro hoạt động được triển khai và thực thi hiệu quả ở các đơn vị trong toàn Ngân hàng;
  • Duy trì hồ sơ rủi ro hoạt động trên phạm vi toàn Ngân hàng phù hợp với khẩu vị rủi ro của Ngân hàng;
  • Làm việc với các bộ phận khác có liên quan để hỗ trợ/tư vấn về thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro;
  • Phối hợp với Kiểm toán nội bộ để lập kế hoạch đánh giá và giám sát sự tuân thủ về quản lý rủi ro hoạt động.

Mức lương của nhân viên quản lý rủi ro

Với vai trò quan trọng cũng như trách nhiệm của mình, tùy theo từng ngân hàng khác nhau mà mức lương của các vị trí này sẽ từ 12.000.000 – 15.000.000 VNĐ.

Nhân viên quản lý rủi ro giúp giảm thiểu tổn thất cho ngân hàng.

Chuyên viên thanh toán quốc tế

Lĩnh vực thanh toán quốc tế là ngành nghề vô cùng sôi động hiện nay. Các giao dịch trên thế giới luôn có xu hướng gia tăng và không ngừng được mở rộng mỗi ngày. Vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế là một vị trí được đào tạo để nắm bắt xu thế chung đó. Đây là những người chịu trách nhiệm thực hiện các giao dịch quốc tế mà ngân hàng đề ra.

Vai trò của chuyên viên thanh toán quốc tế

  • Phối hợp với các bộ phận để tiếp nhận các chứng từ, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế như chuyển tiền, phát hành,… và các giao dịch khác liên quan tới dịch vụ thanh toán quốc tế của khách hàng;
  • Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, giấy tờ mà khách hàng cung cấp, đảm bảo đúng mẫu, đúng quy định của Ngân hàng và pháp luật;
  • Thông báo, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ cần thiết;;
  • Tiếp nhận và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong phạm vi giao dịch thực hiện
  • Đề xuất ý kiến cải tiến chất lượng các sản phẩm, quy trình hiện hành để đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu tối đa thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng;
  • Lưu giữ sổ sách, hồ sơ, tài liệu, số liệu về công tác kế toán theo quy định của Ngân hàng.

Mức lương của vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế là bao nhiêu?

Vị trí này đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm về giao dịch thương mại hay kinh nghiệm làm việc liên quan tài chính ngân hàng rất cao. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, với sự cởi mở hơn trong cơ chế tuyển dụng, các ngân hàng đã dành nhiều cơ hội hơn cho các bạn chưa có kinh nghiệm để bắt đầu từ vị trí Tài trợ thương mại và Thanh toán quốc tế.

Thông thường, tại các ngân hàng khác nhau thì mức lương cho vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế này sẽ khác nhau. Theo đó, mức lương cho vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế sẽ từ 6.000.000 – 8.000.000 VNĐ.

Vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế đang khá “hot”.

Nhân viên kinh doanh (Sales Executive)

Khi tìm hiểu về các vị trí trong ngân hàng và mức lương thì không thể không nói đến Nhân viên kinh doanh. Vị trí này tương tự như vị trí nhân viên kinh doanh của các công ty kinh doanh các mặt hàng khác. Đây được xem như một bộ phận cực kỳ quan trọng trong bất kì doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh nào. 

Vai trò của nhân viên kinh doanh ở các ngân hàng

  • Gọi điện cho khách hàng dựa trên nguồn thông tin sẵn có để chào bán sản phẩm thẻ tín dụng;
  • Tiếp thị bán hàng, giải đáp, tư vấn, chăm sóc khách hàng về sản phẩm, hệ thống, dịch vụ qua các kênh giao tiếp (điện thoại, email,..);
  • Tìm kiếm khách hàng mới;
  • Phát hiện và ngăn chặn các rủi ro, gian lận về hồ sơ tín dụng của khách hàng;
  • Báo cáo tình hình công việc lên cấp trên;
  • Chăm sóc khách hàng và đảm bảo tỷ lệ thu hồ sơ thành công cao nhất.

Mức lương của nhân viên kinh doanh tại các ngân hàng

Mức lương cơ bản của nhân viên kinh doanh sẽ từ 3.000.000 – 5.000.000 VND. Tuy nhiên đây chỉ là mức lương cơ bản. Ngoài ra mức lương này còn được tính kèm doanh số, phần trăm hoa hồng,…  Vị trí này thường không quá đòi hỏi kinh nghiệm từ các bạn sinh viên mới ra trường. Nhưng bạn cần có kiến thức nền tảng tốt về tài chính ngân hàng để đảm nhận công việc tốt hơn.

Nhân viên vận hành (Operations Officer)

Ngoài những bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, không thể bỏ qua các vị trí back office trong ngân hàng, đặc biệt là nhân viên vận hành. Bởi họ là người chịu trách nhiệm để mọi giao dịch và hoạt động trong ngân hàng được diễn ra trơn tru và đúng quy cách. Nhân viên vận hành sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ giám sát hoạt động hàng ngày của chi nhánh để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nội bộ và quy định chung nhằm đẩy mạnh hoạt động của các nhân viên.

Vai trò của nhân viên vận hành tại ngân hàng

  • Duy trì và cải tiến việc cung cấp các dịch vụ khách hàng;
  • Thực hiện và kiểm tra các giao dịch liên quan đến dịch vụ kinh doanh tương ứng;
  • Hỗ trợ liên lạc với khách hàng (bên trong/bên ngoài);
  • Cung cấp thông tin và hỗ trợ cho nhân viên mới làm việc để đáp ứng yêu cầu;
  • Đóng góp và tạo môi trường làm việc tốt;
  • Áp dụng các kiến thức và phổ biến các kiến thức về pháp luật tài chính, các chính sách nội bộ, các yêu cầu về quy định của doanh nghiệp để đảm bảo quy trình được vận hành tốt và đánh giá quy trình;
  • Đảm bảo các giao dịch thực hiện theo đúng quy chuẩn.
Nhân viên vận hành có vai trò rất quan trọng.

Mức lương của nhân viên vận hành trong ngân hàng

Công việc này đòi hỏi người ứng tuyển phải từng làm qua một số vị trí nhất định trong ngân hàng cũng như có một số kinh nghiệm trong vấn đề này. Tùy theo từng ngân hàng mà mức lương của các vị trí này sẽ khác nhau. Thông thường, mức lương của nhân viên vận hành tại các ngân hàng này sẽ từ 8.000.000 – 10.000.000 VNĐ.

Nhân viên kiểm toán nội bộ (Internal Audit Officer)

Nhân viên kiểm toán nội bộ còn có tên tiếng anh là Internal Audit Officer. Đây là một vị trí chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động của ngân hàng. Vị trí này giữ vai trò là người tư vấn và định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro. Tương tụ các vị trí backoffice trong ngân hàng khác, kiểm toán nội bộ là vị trí rất quan trọng, giúp ngân hàng cải tiến những điểm yếu từ hệ thống quản lý và quản trị.

Vai trò của kiểm toán nội bộ tại ngân hàng

  • Giám sát sự tuân thủ của một hoặc một số mảng nghiệp vụ/công việc theo cơ chế, chính sách, quy trình hiện hành của Pháp luật và Nhà nước;
  • Giám sát từ xa một hoặc một số nghiệp vụ/công việc của các đơn vị thông qua việc kiểm tra số liệu trên một hệ thống hoàn toàn độc lập;
  • Thực hiện đánh giá nội bộ (ĐGNB) một số mảng nghiệp vụ/công việc, đánh giá chất lượng (ĐGCL) hoạt động một số mảng /nghiệp vụ/công việc, checklist các phòng ban, các đơn vị và theo dõi tiến độ khắc phục, thẩm tra hành động khắc phục;
  • Tổng hợp báo cáo của các Phòng/Bộ phận dưới sự giám sát của cấp quản lý trực tiếp;
  • Theo dõi và lập báo cáo khắc phục theo kiến nghị của Kiểm toán nội bộ dưới sự giám sát của cấp quản lý trực tiếp.

Mức lương của nhân viên kiểm toán nội bộ

Mức lương của nhân viên kiểm toán nội bộ thường sẽ từ 15.000.000 – 18.000.000 VNĐ. Tùy theo từng ngân hàng mà mức lương cũng như yêu cầu về các nhân viên kiểm toán nội bộ sẽ có sự khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu chung của vị trí này đó chính là việc phải nắm bắt được cách phân tích số liệu để nhận diện rủi ro mà ngân hàng có thể gặp phải.

Nhân viên kiểm toán nội bộ ở ngân hàng khác nhau sẽ có mức lương khác nhau.

Nhân viên phân tích tài chính (Financial Analyst)

Công việc của một chuyên viên Phân tích tài chính là tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính. Đồng thời vị trí này cũng cần nắm vững phân tích xu hướng thị trường. Từ đó, đưa ra các dự báo, thu thập các bảng thống kê, báo cáo kinh doanh, báo cáo kế toán và đưa ra các báo cáo nhằm tư vấn tài chính và đầu tư cho ban giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp.

Vai trò của nhân viên phân tích tài chính

  • Tìm kiếm, phát triển, chăm sóc khách hàng là các doanh nghiệp hoặc cá nhân;
  • Thẩm định và đề xuất cấp tín dụng cho khách hàng;
  • Củng cố và phát triển mối quan hệ khách hàng nhằm khai thác tối đa nhu cầu sản phẩm dịch vụ của ngân hàng;
  • Tham gia nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin quản trị cho ngân hàng;
  • Thực hiện công việc theo đúng chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn nội bộ… và cam kết chất lượng;
  • Tham gia vào các dự án phát triển hệ thống, quy hoạch thông tin, phát triển quy trình nghiệp vụ của khối Tài chính – Kế hoạch.

Mức lương của nhân viên phân tích tài chính tại ngân hàng

Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, có tầm nhìn về các vấn đề tài chính và tất nhiên, bạn phải là người làm việc với các con số cực kỳ tốt. Mức lương cho nhân viên phân tích tài chính tại ngân hàng thường sẽ từ 10.000.000 – 12.000.000 VNĐ.

Nhân viên tín dụng ngân hàng (Credit Approval Officer)

Tương tự như nhân viên kinh doanh, nhân viên tín dụng ngân hàng được xem là một trong những ngành nghề chịu nhiều vất vả và áp lực nhất. Tuy nhiên, có thể nói rằng trong số các vị trí trong ngân hàng thì đây cũng là vị trí “hot” nhất nhì, bởi lượng nhân sự “đổ” vào không có dấu hiệu giảm.

Vai trò công việc của nhân viên tín dụng ngân hàng

  • Tìm kiếm khách hàng tiềm năng muốn vay vốn, xác định hình thức vay vốn;
  • Giải thích, tư vấn cho khách hàng về hình thức vay vốn;
  • Nghiên cứu và đánh giá khả năng vay vốn của khách hàng;
  • Thực hiện hợp đồng vay vốn với khách hàng;
  • Lập báo cáo về vay vốn theo yêu cầu của cấp trên.
Nhân viên tín dụng sẽ khá vất vả và áp lực về doanh số.

Mức lương của nhân viên tín dụng ngân hàng

Tùy theo từng ngân hàng mà lức lương của vị trí này sẽ có sự khác nhau. Theo đó, mức lương của nhân viên tín dụng ngân hàng sẽ từ 6.000.000 – 8.000.000 VNĐ.

Nhân viên gọi điện thoại tại ngân hàng (Telesales ngân hàng)

Telesales là phương pháp bán hàng qua điện thoại không còn quá xa lạ gì trong thời buổi hiện nay. Công việc Telesales được nhiều người đánh giá là vô cùng thử thách và đầy căng thẳng. Người làm Telesales không những phải nắm vững chuyên môn mà cần có đủ “kiên nhẫn” và bản lĩnh để thuyết phục khách hàng.

Vai trò của Telesales tại ngân hàng

  • Tư vấn khách hàng có nhu cầu vay tín chấp qua điện thoại;
  • Làm việc full time tại văn phòng Ngân hàng và có các bộ phận khác hỗ trợ thu nhận hồ sơ.

Mức lương của Telesales tại ngân hàng

Mức lương của Telesales tại ngân hàng sẽ có sự khác nhau do quy mô, tổ chức của từng ngân hàng. Mức lương cơ bản cho vị trí Telesales tại ngân hàng sẽ từ 3.000.000 – 5.000.000 VNĐ (chưa tính hoa hồng)..

Chuyên viên tư vấn đầu tư (Wealth Specialist)

Chuyên viên tư vấn đầu tư hay còn được gọi là Wealth Specialist. Đây là một vị trí đóng vai trò quan trọng trong các công ty tư vấn, các quỹ đầu tư dự án hoặc các tổ chức về tài chính ngân hàng. Đây là công việc phổ biến và được đánh giá cao về năng lực chuyên môn tại nhiều nước trên thế giới. 

Vai trò của công việc của một chuyên viên tư vấn đầu tư tại ngân hàng

  • Thực hiện công tác bán hàng, tư vấn cung cấp những giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu khách hàng;
  • Xây dựng tốt mối quan hệ trong ngân hàng, đồng thời phối hợp và hỗ trợ nhân viên ngân hàng để xác định các cơ hội bán hàng;
  • Là người liên lạc chính tại chi nhánh để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến chứng từ của hợp đồng, quy trình bồi thường và các dịch vụ khách hàng;
  • Thực hiện báo cáo theo yêu cầu cho giám đốc.

Mức lương của chuyên viên tư vấn đầu tư tại ngân hàng

Mức lương của chuyên viên tư vấn đầu tư tại ngân hàng thường sẽ từ 7.000.000 – 15.000.000 VNĐ. Tùy theo từng ngân hàng, định hướng phát triển của nhân viên tư vấn đầu tư ngân hàng sẽ có sự khác nhau.

Tư vấn đầu tư là công việc có chuyên môn cao.

Giao dịch viên (Teller)

Đây là một vị trí không thể thiếu tại các ngân hàng. Đây là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Đồng thời giúp giải đáp các thắc mắc cũng như thực hiện các yêu cầu của khách hàng trong khả năng và nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực ngân hàng.

Vai trò của một giao dịch viên tại ngân hàng

  • Thực hiện các giao dịch và dịch vụ liên quan đến tiền mặt và không liên quan đến tiền mặt; hỗ trợ bộ phận tín dụng, quản lý tiền mặt tại ATM/CDM;
  • Quản lý quỹ nghiệp vụ tại các chi nhánh ngân hàng;
  • Tiếp nhận giải quyết và hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của khách hàng;
  • Đảm bảo chất lượng dịch vụ khi giao dịch với khách hàng;
  • Tìm kiếm cơ hội giới thiệu khách hàng cho bộ phận khách hàng;
  • Tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mức lương của giao dịch viên tại ngân hàng

Mức lương của một giao dịch viên tại ngân hàng thường sẽ từ 6.000.000 – 8.000.000 VNĐ. Tùy theo từng vị trí cũng như từng ngân hàng mà mức lương cho vị trí này sẽ có sự khác nhau.

Có thể nói, việc nắm bắt được các vị trí trong ngân hàng sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ hơn về hệ thống quản lý trong ngân hàng. Từ đây, bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về những vị trí này. Và đừng quên ghé qua Việc Làm Tốt để tìm kiếm các việc làm, các công việc có liên quan đến các vị trí trong ngân hàng nhé. Chúc bạn thành công!

Exit mobile version