Đôi chân là bộ phận quan trọng nhất và cũng là vũ khí nguy hiểm nhất trên cơ thể của gà chọi. Trong quá trình nuôi, các kê sư có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng gà bị nấm chân và khiến cho gà cưng của mình bị mất đi giá trị. Vậy giải quyết tình trạng nấm chân ở gà như thế nào để không bị tái phát?
Đôi nét về tình trạng gà bị nấm chân
Gà bị nấm chân là tình trạng chân của gà gặp phải những tổn thương do một số loại nấm ký sinh, sau đó gây ngứa ngáy khó chịu hoặc nặng hơn là nhiễm trùng, áp xe và gây tử vong. Trong đó, loại nấm phổ biến nhất được ghi nhận cho đến ngày nay là Trichophyton Gallinae gây bệnh Dermatomicosis (mốc trắng).
Không chỉ xuất hiện ở chân, triệu chứng này còn thường gặp ở một số bộ phấn khác trên cơ thể gà như mồng, da, mắt,… Ở mỗi vị trí cơ thể sẽ có những biểu hiện cũng như mức độ nặng nhẹ khác nhau, cách điều trị dứt điểm cũng sẽ có đôi chút khác nhau.
Gà bị nấm da cũng có khả năng lây lan cho những cá thể gà chưa bị bệnh khác thông qua tiếp xúc. Nếu gà chọi đang gặp phải vết thương hở sau khi chinh chiến về thì khả năng lây lan sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
Cách nhận biết gà bị nấm vảy chân thế nào?
- Gà hay dùng mỏ rỉa vào chân: Vì nấm gây ngứa ngáy khó chịu nên gà sẽ có động thái dùng mỏ rỉa nhiều vào chân. Trong trường hợp nặng thì gà có thể rỉa đến mức chảy máu và gây nhiễm trùng, um mủ.
- Chân xuất hiện vảy trắng: Ở vị trí vi khuẩn làm tổ ký sinh, chân gà sẽ xuất hiện vảy nhỏ màu trắng. Ban đầu, vảy có kích thước khá nhỏ nhưng sẽ lớn dần và lan rộng ra hết phần chân, sau đó là thân và toàn bộ cơ thể gà. Những vảy trắng dần trở nên sần sùi và dễ bị bong tróc khi gà mổ hoặc cọ xát chân.
- Tình trạng nặng: Khi mắc nấm vảy chân ở mức độ nặng, gà sẽ luôn bị khó chịu, stress, ngứa ngáy và thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt hằng ngày. Gà chọi sẽ trở nên không nghe lời và rất khó để huấn luyện kỹ năng. Dần dần, sức chiến đấu và sức khỏe của chiến kê sẽ suy giảm, biếng ăn, giảm cân và suy yếu hệ miễn dịch.
Nguyên nhân gây nấm chân ở gà chọi
Gà chọi bị nấm chân bởi những nguyên nhân nào gây nên? Tùy thuộc vào môi trường sống và một số loại bệnh liên quan mà gà chọi sẽ đối mặt với khả năng bị mắc bệnh nấm.
- Người nuôi gà chọi không thực hiện vệ sinh cho gà sau khi trải qua một trận đấu. Đặc biệt, kê sư không tiến hành ngâm chân cho gà sẽ có tỷ lệ mắc cao hơn rất nhiều.
- Gà chọi gặp phải chấn thương ở chân trong quá trình sống và chiến đấu như: tiếp đất không đúng cách, giẫm phải vật sắc nhọn, bị dính đòn của đối thủ,…
- Do môi trường sinh sống không sạch sẽ, ẩm thấp, nhiều rác thải,… tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở và ký sinh trên gà gây nấm chân.
- Do bị lây bởi những cá thể gà mắc bệnh khác trong đàn hoặc chiến kê của đối thủ.
- Gà đang mắc phải một số loại bệnh ngoài da hoặc bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch. Khiến cho vi khuẩn nấm dễ dàng tấn công và phát triển ở cơ thể gà.
- Khi mua bán gà, người mua không thực hiện kiểm tra cẩn thận và lựa chọn nhầm phải những cá thể đang mắc sẵn bệnh trong người. Sau đó mang về và tiếp tục lây bệnh cho các cá thể khỏe mạnh khác.
Cách chữa gà bị nấm chân bằng dân gian và dùng thuốc
Sử dụng phương pháp dân gian và dùng thuốc là 2 cách chữa gà bị nấm chân được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Chữa gà bị nấm chân bằng dân gian
Cách 1: Sử dụng 3 nguyên liệu chính bao gồm nghệ, măng cụt và quế. Để thực hiện, bạn ngâm những nguyên liệu trên vào rượu trắng trong vòng 1 tháng. Sau đó, bạn tiếp tục dùng khăn thấm hỗn hợp và lau toàn thân cho gà, đặc biệt ở những vùng mắc bệnh trực tiếp và cổ, bẹn, đùi, nách. Thực hiện mỗi ngày 1 lần liên tục trong vòng 7 ngày, nếu cảm thấy tình hình thuyên giảm thì tiếp tục cho đến khi khỏi hẳn.
Cách 2: Sử dụng rễ cây bạch hạc. Để thực hiện, bạn cũng ngâm rễ cây bạch hạc với rượu trắng trong vòng tối thiểu 20 ngày là có thể sử dụng. Thuốc dùng để lau toàn thân cho gà, mỗi ngày 1 lần trong vòng ít nhất 5 ngày. Nếu như tình hình thuyên giảm thì tiếp tục cho đến khi khỏi hẳn. Nhưng nếu tình trạng nấm chân ở gà vẫn không có chuyển biến thì người nuôi cần thay đổi cách xử lý khác.
Lưu ý: Vì thời gian ngâm rượu khá lâu nên các kê sư nên chuẩn bị trước, nếu đợi đến thời điểm gà được chẩn đoán mắc bệnh mới chuẩn bị thì sẽ không kịp.
Chữa gà bị nấm chân bằng thuốc
Cách 1: Sử dụng thuốc bôi. Người nuôi vệ sinh sạch toàn bộ phần chân gà bằng nước trà xanh pha muối tinh hoặc nước muối sinh lý. Sau đó, làm khô chân gà bằng khăn giấy và bôi thuốc Ketomycine ở vùng bị nấm. Mỗi ngày thực hiện từ 1 đến 2 lần tùy theo tiến triển của bệnh và dùng liên tục trong vòng ít nhất 5 ngày.
Cách 2: Sử dụng thuốc uống. Người nuôi sử dụng thuốc Ketoconazole 200mg và cho gà uống trực tiếp. Liệu trình bao gồm 2 viên, viên sau được uống cách viên trước 2 ngày để đảm bảo gà không bị sốc thuốc hoặc bất cứ tác dụng phụ nào khác. Nếu gà không thuyên giảm cũng tuyệt đối không nên sử dụng viên thứ 3.
Lưu ý: Người nuôi có thể sử dụng thuốc có tác dụng tương đương để thay thế nhưng cần đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và thành phần tác dụng của thuốc. Khi sử dụng thuốc uống tạm thời không nên sử dụng thêm thuốc bôi để tránh phản tác dụng.
Một số lưu ý trong quá trình điều trị gà bị nấm chân
- Khi đã xác định gà bị nấm chân, kê sư nên thực hiện việc điều trị càng sớm càng tốt. Đây là căn bệnh không có nhiều khả năng tự khỏi và một khi đã mắc phải, tình hình sẽ tiến triển liên tục và nặng dần.
- Trong thời gian điều trị, người nuôi nên chuẩn bị chỗ ở mới cho gà một cách sạch sẽ, êm ái và tránh tiếp xúc với những cá thể gà khác. Bên cạnh đó, người nuôi cũng đồng thời thực hiện vệ sinh chuồng trại bằng cách phun thuốc diệt khuẩn để đảm bảo rằng toàn bộ khuôn viên chăn nuôi không còn cơ hội cho vi khuẩn phát triển.
- Để tăng sức đề kháng và rút ngắn thời gian điều trị, người nuôi cũng có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng của gà bằng cách bổ sung thêm nhiều loại kháng sinh, vitamin, điện giải và thức ăn giàu dinh dưỡng.
- Trong lúc mắc bệnh, kê sư không nên mang chiến kê của mình xung trận. Nguyên nhân đầu tiên là do gà đang ở trong trạng thái suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần, ra sân rất dễ thua. Hai là gà có thể bị thương nghiêm trọng hơn, dẫn đến tình trạng bệnh tình nặng hơn và khó điều trị hơn.
- Đối với trường hợp nuôi gà cảnh, người nuôi nên cẩn trọng trong việc dùng thuốc bôi và tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ thú y. Bởi vì một số loại thuốc bôi trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường hiện nay có thể điều trị bệnh nhưng lại gây mất thẩm mỹ đôi chân gà.
- Đối với trường hợp nuôi gà lấy thịt, khi nhận thấy 1 hoặc một vài cá thể có dấu hiệu tự rỉa chân thì nên cách ly khỏi đàn ngay lập tức.
Trên đây là chia sẻ của Chợ Tốt về triệu chứng gà bị nấm da và một số cách điều trị đơn giản tại nhà. Để gà cưng khỏe mạnh và sung sức nhất, mọi người nên chăm sóc cẩn thận và giữ vệ sinh chuồng trại một cách tốt nhất. Chúc bạn thành công điều trị cho chiến kê của mình.