Hôm nay tại tỉnh Nghệ An, một người đàn ông 33 tuổi đã bị mất hơn nửa tỷ đồng sau khi rơi vào “bẫy ngọt ngào” trên mạng xã hội khi tìm kiếm dịch vụ “vui vẻ”. Công an cảnh báo về nguy cơ bị lừa đảo khi tìm kiếm các dịch vụ gái gọi trên mạng xã hội, và cảnh báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua “bẫy dịch vụ gái gọi”. Các trường hợp bị lừa đảo với số tiền lớn không chỉ ở Nghệ An mà còn rải rác tại nhiều địa phương khác, đặc biệt hoạt động lừa đảo này rất nguy hiểm và khó lường. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo đều ở nước ngoài, do đó gần như nạn nhân không có cơ hội lấy lại được khoản tiền đã mất. #luadao #baonguy #dichvugai #cangandien tử #cheats #socialmedia
Chiếc bẫy ngọt ngào
Ngày 10/11, Trung tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An) – cho biết đơn vị vừa nhận đơn trình báo của người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 560 triệu đồng.
“Người đàn ông 33 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An đến trình báo trong tâm trạng thất thần. Ban đầu anh trình báo mình bị lừa khi thực hiện nhiệm vụ nhận hoa hồng trên mạng xã hội. Tuy nhiên sau khi được trấn an tâm lý, nạn nhân thừa nhận do lên mạng tìm dịch vụ “vui vẻ” nên bị sập bẫy”, Trung tá Đức thông tin.
Theo trình báo của nạn nhân, ngày 6/11, sau chầu nhậu, anh lên mạng xã hội để tìm tình một đêm. Một người xưng là Lan Hương tương tác và nhắn cho anh T. số điện thoại để tiện giao dịch.
Anh T. liên lạc qua số điện thoại của Lan Hương để đặt “gái gọi” thì được cho vào một nhóm telegram.
Tại đây, người đàn ông 33 tuổi được thuyết phục thực hiện các nhiệm vụ để được cấp thẻ VIP. Theo giới thiệu, khi được cấp thẻ VIP, anh T. sẽ được nhận nhiều ưu đãi khi sử dụng dịch vụ với các người đẹp “tận tụy như người yêu, kỹ năng điêu luyện”.
Lúc đầu, anh T. chỉ chuyển một số tiền nhỏ để làm thẻ thành viên và nhận lại khoản tiền lớn hơn. Sau đó, “người quản lý” tiếp tục dẫn dụ anh T. tham gia thực hiện các nhiệm vụ bằng cách nạp một khoản tiền đảm bảo để bình chọn cho các cô gái trên một trang web.
Hoàn thành một nhiệm vụ, anh T. sẽ được hoàn trả số tiền đã nạp kèm 20% hoa hồng kèm theo một số dịch vụ hấp dẫn khác khi đặt hàng “vui vẻ”.
Người đàn ông này đã thực hiện 6 nhiệm vụ theo hướng dẫn của “người quản lý”. Mải miết cho tới khi đã chuyển tổng cộng 560 triệu đồng, anh T. mới sực tỉnh.
Nghi ngờ mình bị lừa nhưng vẫn hi vọng có thể vớt vát được số tiền, nạn nhân yêu cầu “người quản lý” hoàn lại tiền, tuy nhiên người này tiếp tục yêu cầu anh thực hiện nhiệm vụ cuối cùng.
Theo nhiệm vụ lần này, khi hoàn thành giao dịch 450 triệu đồng, anh T. sẽ được hoàn trả toàn bộ số tiền (bao gồm 560 triệu đồng đã chuyển trước đó) cùng khoản hoa hồng đã hứa.
Biết mình đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, anh T. đến công an trình báo. “Toàn bộ số tiền trên là khoản tích lũy nhiều năm đi lao động ở nước ngoài của tôi và một số ít là vay mượn”, người đàn ông 33 tuổi chua chát nói.
Trung tá Hà Huy Đức thông tin, anh T. không phải là trường hợp duy nhất bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua “bẫy dịch vụ gái gọi”. Trước đó, Trung tá Đức nhận được trình báo của một giám đốc doanh nghiệp bị chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
“Không những bị chiếm đoạt số tiền lớn mà người đàn ông này còn bị các đối tượng đe dọa sẽ dùng các tin nhắn thỏa thuận tìm “gái” đăng tải trên mạng xã hội hoặc gửi cho gia đình, cơ quan buộc nạn nhân phải đưa thêm một khoản tiền. Lúc này, nạn nhân mới trình báo công an để nhờ tư vấn, giúp đỡ”, Trung tá Đức cho hay.
Cẩn thận với “dịch vụ vui vẻ” trên mạng xã hội
Theo Trung tá Đức, lợi dụng tâm lý hám của lạ của một số đàn ông, các đối tượng lừa đảo sử dụng các nhóm có tên rất khêu gợi như “Lầu xanh”, “Câu lạc bộ búp bê”, “Thiên đường mỹ nhân”… để dụ dỗ.
Chúng từng bước dẫn nạn nhân vào bẫy đã giăng sẵn. Đa phần nạn nhân sau khi mất một số tiền lớn đều lựa chọn im lặng, không dám tố cáo vì sợ vợ, gia đình, đồng nghiệp biết.
Khi tìm kiếm các dịch vụ gái gọi trên mạng xã hội, các nạn nhân sẽ được tiếp cận, giới thiệu các dịch vụ hấp dẫn kèm theo hình ảnh các cô gái trẻ đẹp, sẵn sàng chiều khách tới bến. Để sử dụng dịch vụ, các nạn nhân phải mở thẻ VIP hẹn hò.
“Chi phí làm thẻ rất nhỏ, 150.000-200.000 đồng, thời hạn sử dụng 1 năm, có thể đăng ký dịch vụ ở tất cả tỉnh, thành trong cả nước. Vì số tiền ban đầu không lớn nên nạn nhân sẽ chủ quan. Trong khi chờ cấp thẻ, nạn nhân được gửi đường link vào một trang web đầy rẫy hình ảnh các cô gái xinh tươi, nóng bỏng.
Từ đây, các nạn nhân được giới thiệu tham gia thực hiện các nhiệm vụ với mức hoa hồng 20%. Nhiệm vụ của khách rất đơn giản, chỉ cần nạp một khoản tiền và vào hệ thống tham gia đánh giá, bình chọn các cô gái để “công ty” làm căn cứ trả phí phục vụ. Trong 2 nhiệm vụ ban đầu, nạn nhân được thanh toán cả tiền gốc và tiền hoa hồng”, Trung tá Đức thông tin.
Khi nhận được “tiền tươi thóc thật”, nạn nhân sẽ buông lỏng cảnh giác. Các đối tượng sẽ đưa ra mức tiền cao hơn để tham gia nhiệm vụ thứ 3, thường từ vài chục đến hàng chục triệu đồng. Hoàn thành việc bình chọn nạn nhân sẽ được cấp thẻ VIP và tất nhiên kèm theo lời hứa “hoàn tiền gốc, trả hoa hồng”.
Khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ thông báo do thao tác sai nên bị khóa thẻ, phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để được cấp thẻ và hoàn tiền. Lần này, nạn nhân sẽ được cho vào một nhóm telegram khác mà các thành viên còn lại đều là “chim mồi”. Bởi vậy, nạn nhân dễ dàng bị thao túng tâm lý, đến khi mất một khoản tiền lớn mới nhận ra mình bị lừa.
“Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo đều ở nước ngoài, do đó gần như nạn nhân không có cơ hội lấy lại được khoản tiền đã mất”, Trung tá Đức cho hay.