Giữ rừng hay chuyển đổi – Đại thủy nông 3.000 tỉ đồng tại Ia Mơr
#GiữRừng #ChuyểnĐổi #IaMơr #ĐạiThủyNông #LâmTặc #BảoVệMôiTường #NhânLực #VốnĐầuTư #ChuyểnĐổiĐấtRừng #NôngNghiệp #GiaLai #ĐắkLắk #BảoVệRừng #SinhTháiTựNhiên #VùngTưới #BảoVệĐaDạngSinhHọc #DiDân #ĐầuTưCôngNghệCao
Giữ rừng dưới chân kho nước khổng lồ
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng dưới chân hồ thủy lợi Ia Mơr, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông – không giấu được nỗi buồn lo khi tình trạng lâm tặc, người dân xâm chiếm, phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp.
Đại thủy nông có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ tưới tiêu cho 12.500ha đất nông nghiệp chủ yếu của tỉnh Gia Lai và một phần tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, hiện nay kho nước khổng lồ chỉ giải quyết tưới tiêu cho khoảng 800ha đất nông nghiệp của người dân.
“Ruộng đồng người dân sát dưới chân kho nước được tưới tắm, cây cối phát triển tươi tốt. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất ruộng lúa ở những nơi khác, nước không vận chuyển đến được do thiếu hệ thống kênh mương xương cá và vướng diện tích đất rừng.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công không thể xây dựng kênh mương băng qua đất rừng tự nhiên, cây cối nguyên sinh khi chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Vấn đề cố hữu này dường như không có lối thoát để giải phóng kho chứa nước khổng lồ của Ia Mơr. Nên nhiều năm qua, dù con đập lừng lững biển nước nhưng nhiều diện tích ruộng đồng của người dân sát biên giới vẫn khát khô, mỏi mòn chờ nước về” – Phó Chủ tịch xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Xã Ia Mơr sát biên giới với Campuchia, nổi tiếng với những cánh rừng khộp tái sinh trải dài ngút ngàn tầm mắt. Bên trong rừng khộp là hệ sinh thái, môi trường sống của các loài như gà rừng, gà lôi, voi, hươu, trĩ, nhím, sóc… Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, kể từ khi có thông tin cơ quan chức năng sẽ cho chuyển đổi 4.700ha đất rừng sang đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất và có vùng tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr thì thực trạng người dân xân lấm đất, phá rừng càng nóng.
Xã Ia Mơr chịu trách nhiệm chính quản lý, bảo vệ gần 14.000ha rừng, trong khi đó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr với lực lượng chuyên trách bảo vệ cho 10.000ha rừng trên địa bàn. Từ năm 2021 -2022, có ít nhất 5 vụ chống đối người thi hành công vụ do xảy ra tranh chấp đất rừng, ngăn chặn lâm tặc đối với nhân viên bảo vệ rừng của xã.
Do thiếu lực lượng nên ban ngày cán bộ xã làm việc hành chính, ban đêm được huy động để cùng mắc võng giữa rừng khộp hỗ trợ với các chốt bảo vệ rừng. Vì có những thời điểm việc xâm lấn đất rừng diễn ra rất nóng, với diện tích lên đến hàng chục hécta rừng.
“Để bảo vệ màu xanh những cánh rừng biên giới, khôi phục từ rừng nghèo sang rừng giàu, mang lại lợi ích khi có thiên tai mưa lũ, cần thiết phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Chính quyền xã với nhân lực, vật lực hạn chế khó mà giữ rừng được” – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Bế tắc việc nên giữ rừng hay chuyển đổi để phát triển
Hơn 3.000 tỉ đồng rót vốn đầu tư vào một đại thủy nông giữa chốn núi rừng là con số rất lớn. Số tiền lớn đồng nghĩa với việc phải phát huy hiệu quả của công trình nghìn tỉ này (tưới được 12.500ha), còn với mức tưới tiêu hiện tại chỉ 800ha đất nông nghiệp, dư luận không khỏi đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, mục tiêu thiết kế cũng như sự lãng phí tiền của đại công trình.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai – cho biết: “Hiện nay Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến tổng hợp để trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm có vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơr. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội”.
Hiện tại trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới bao gồm: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn, khai hoang đồng ruộng, nơi cư trú cho người dân bản địa…
Như vậy, việc chuyển đổi 4.700ha đất rừng sang đất nông nghiệp cũng đang rơi vào tình huống bế tắc, nan giải. 4.700ha đất rừng với cảnh quan đa dạng, rừng tái sinh có thể phục hồi để thành “lá phổi” xanh cho Gia Lai, bảo vệ đa dạng sinh học của Tây Nguyên với sự phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá và bảo vệ rừng để giữ gìn cho thế hệ mai sau.
Giữ rừng vì môi trường sinh thái tự nhiên hay chuyển đổi để tiếp tục rót vốn thêm hàng nghìn tỉ đồng thiết kế vùng tưới, dự án di dân, thu hút đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao… Câu hỏi đó qua nhiều năm, Gia Lai vẫn chưa có quyết định cuối cùng.