Để chăm sóc và nuôi dưỡng được một chú chào mào cần rất nhiều công sức và thời gian. Bạn không những phải biết được đặc tính của chào mào, chế độ dinh dưỡng, cách cho ăn, cách thuần mà còn phải biết chủ động phòng ngừa và chữa bệnh cho chúng. Đặc biệt, chào mào bị sâu lông là một trong những căn bệnh thường gặp nhất.
Biểu hiện khi chim chào mào bị sâu lông
Khi vật nuôi của bạn có một trong những biểu hiện dưới đây chứng tỏ chú chào mào mà bạn đang nuôi có thể đang gặp phải tình trạng bị sâu lông:
- Chào mào bị xù lông, rụt cổ và thường xuyên rỉa cánh nhiều.
- Lông đuôi, lông cánh của chào mào ngày càng bị gãy, gấp, tua tủa, xoăn, xơ xác mà không mượt mà.
- Lông của chào mào dễ gãy dễ rụng.
- Chào mào bị rụng lông đầu, lông ngực thành từng mảng.
- Phần da bên ngoài của chào mào thường tím tái, bị đỏ.
- Chào mào không mọc lông cánh trong một thời gian dài.
- Chim chào mào di chuyển nhiều, vừa di chuyển vừa tự nhổ lông đuôi của mình.
Nguyên nhân khiến chào mào bị sâu lông
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chào mào bị bệnh sâu lông, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu có thể tác động đến tình trạng chào mào bị sâu lông:
- Do chim chào mào của bạn ít được tắm táp và phơi nắng vì vitamin D sẽ quyết định đến độ đẹp, mượt của lông chào mào.
- Chim không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất dẫn đến thiếu chất, trong đó dưỡng chất quan trọng nhất là canxi và vitamin quyết định đến sự phát triển của lông chim.
- Không được bổ sung thêm trái cây vì bản chất của loài chim này vẫn thuộc về thiên nhiên và ăn trái cây.
- Cho chào mào ăn quá nhiều thức ăn nóng như cám có chứa hàm lượng các chất gây nóng như: kỳ tử, ớt, táo tàu, các chất kích lửa,…
- Cho chim chào mào ăn nhiều sâu quy cũng là nguyên nhân khiếm vật nuôi của bạn bị khô lông, xoắn lông,…
- Chào mào bị sâu lông do môi trường sống trong lồng có các ký sinh trùng như rận, mạt sống ký sinh trên thân chim khiến chim ngứa ngáy, rỉa lông nhiều dẫn đến lông bị xơ, bị gãy.
- Thức ăn của chào mào mất vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sâu lông ở chào mào.
Hướng dẫn cách điều trị tình trạng sâu lông cho chào mào
Để có thể điều trị được tình trạng mà chào mào đang mắc phải, hãy theo dõi nội dung dưới đây của Chợ Tốt.
- Nếu xác định bị sâu lông (chỉ mới bị đuôi) thì bạn mua oxy già rồi tiến hành hòa với nước và tắm cho chào mào thường xuyên để vệ sinh sạch sẽ, không để chào mào tự rỉa lông mình. Sau khi đã tắm xong, bạn cho chào mào phơi nắng trong thời gian khoảng 30 – 60 phút để chào mào hấp thụ vitamin D cho lông chắc khoẻ.
- Tránh việc trùm kín lồng chim vì khi chào mào bị sâu lông, chúng sẽ luôn cảm thấy bức bối trong người. Vì vậy việc lồng bị trùm kín nhiều quá sẽ khiến chúng càng cuồng hơn. Bạn chỉ nên trùm kín lồng vào thời gian khi chim đi ngủ để vật nuôi của mình không bị hoảng.
- Để kích thích lông đuôi của chim chào mào mọc lại, bạn hãy sử dụng 1 cây kim đã được tiệt trùng y tế và thực hiện như sau: Tìm các lỗ chân lông của chim và chích vào cẩn thận (lưu ý không chích quá sâu và khiến chim bị chảy máu).
- Để điều trị chào mào bị sâu lông, bạn hãy sử dụng thuốc bột Solamid 10g để pha với nước theo tỷ lệ chỉ định để tắm cho chào mào. Sau mỗi lần tắm xong, bạn sử dụng bình xịt hoặc bằng miệng để phun một lớp vodka lên lông chim. Sau thời gian khoảng một tuần, bạn sẽ thấy tình trạng của lông chim có cải thiện.
Thời gian để điều trị hiệu quả bệnh sâu lông ở chào mào sẽ mất khoảng 1 – 2 mùa lông. Sau đó lông chim mới lên chắc khỏe, mượt và dày. Bên cạnh những cách điều trị tình trạng bên ngoài, bạn cũng cần dành nhiều thời gian để chăm sóc cho chú chim của mình thật tốt, đảm bảo sức khỏe của chim luôn trong trạng thái tốt.
Chế độ chăm sóc cho chim chào mào bị sâu lông
Chế độ dinh dưỡng khi chào mào bị sâu lông
Trong quá trình điều trị bệnh sâu lông ở chào mào, bạn cần phải dành nhiều thời gian để đặc biệt quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của chim. Bởi vì chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ quyết định đến chất lượng lông của chim.
Cụ thể, một số loại thức ăn nên bổ sung cho chim trong giai đoạn này như sau:
- Bổ sung cào cào khô xay nhỏ và trộn thêm cám vào để làm thức ăn hằng ngày của chim. Đây là nguồn dinh dưỡng giúp chim có thêm sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
- Bổ sung thêm nhiều vitamin từ hoa quả tươi, rau xanh cho chim chào mào bị sâu lông. Trong đó có 2 loại trái cây nên bổ sung là chuối và cà chua chín để lông chim thêm đẹp.
- Bổ sung đầy đủ nước sạch cho chào mào, ưu tiên các loại nước để trong lu hoặc chum vì nước máy hiện nay có nhiều clorua, không tốt cho sức khoẻ của chào mào.
Tắm cho chim chào mào
Chế độ tắm nắng và tắm mát cho chim cũng cần được quan tâm thì chim mới có bộ lông đẹp, mượt và ôm sát người.
Cụ thể, bạn nên thường xuyên dành thời gian khoảng 30 – 60 phút cho chào mào tắm nắng để bổ sung vitamin D, giúp cho xương và lông chắc khỏe. Vào mùa hè thì cho chào mào tắm khoảng 2 – 3 lần 1 tuần, còn mùa đông thì chọn những ngày trời nắng để tắm.
Ngoài ra, chào mào cũng là loài chim thích tắm, vì vậy bạn có thể tắm cho vật nuôi của mình 1 – 2 ngày 1 lần. Những mảnh trắng bó lông chào mào khi gặp nước sẽ bung ra nhìn đẹp hơn. Khi tắm bạn nên pha nước sạch với 1 ít muối hoặc 1/2 nước súc miệng Listerine vào vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa kích thích lông tơ phát triển.
Chế độ vệ sinh cho chim chào mào
Bạn cần phải vệ sinh lồng chim định kỳ để loại bỏ tất cả những loại ký sinh trùng sống trên mình chim, để chúng không thể hút máu, cắn lông làm chim chào mào mắc bệnh sâu lông, ngứa ngáy.
Để vệ sinh lồng chim, bạn có thể dùng thuốc xịt gián, muỗi để xịt dưới đáy lồng nhằm mục đích trị rận, mạt cho chim. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho 1 – 2 giọt dầu gió vào dưới đáy lồng, hai cánh hoặc đuôi chào mào.
Hướng dẫn cách phòng tránh tình trạng chào mào bị sâu lông
Để phòng bệnh sâu lông ở chào mào, bạn hãy thực hiện những hướng dẫn dưới đây:
- Bổ sung chế độ ăn uống đủ chất, nhiều dưỡng chất cho chào mào, trong đó tập trung các dưỡng chất như canxi, vitamin A, vitamin D, vitamin B.
- Bổ sung thêm trái cây và rau xanh cho chào mào.
- Hạn chế cho chào mào ăn nhiều đồ nóng trong khẩu phần dinh dưỡng.
- Cho chào mào uống đủ nước.
- Sát khuẩn, vệ sinh lồng chim định kỳ để đảm bảo môi trường sống vệ sinh.
- Cho chim chào mào tắm nắng, tắm mát đều đặn để lông chắc khoẻ, mượt mà.
- Loại bỏ trung gian gây bệnh sâu lông như rận, mạt,…
Hi vọng những chia sẻ trên của Chợ Tốt sẽ có ích cho bạn, giúp bạn biết được nguyên nhân, cách điều trị, phòng tránh tình trạng chào mào bị sâu lông. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận phía dưới để được giải đáp chi tiết.