Queen Mobile Blog

Áp dụng sáng tạo thành công từ Cách mạng Tháng Mười

#Cáchmạngthángmười #cáchmạngthángmươingà #kinhnghiệmkíchthức #độcnhât #chủngànhànghề #Chủngtộc #Cộngđồng #Đản

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/van-dung-sang-tao-nhung-kinh-nghiem-cua-cach-mang-thang-muoi.html

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 – cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, là bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, giành được những thắng lợi to lớn. Kinh nghiệm trong việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ cho thời điểm quyết định cũng như huy động sức mạnh quần chúng để bảo vệ và xây dựng chính quyền đã được vận dụng sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám.

V.I. Lênin đã có một kết luận quan trọng: “Chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói”(1). Thời cơ để quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền phải hội tụ đủ các điều kiện: Xảy ra khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội khiến giai cấp thống trị không thể duy trì quyền lực như cũ; quần chúng Nhân dân và đội tiền phong sẵn sàng hành động; các lực lượng trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Những người cách mạng phải chuẩn bị tốt lực lượng, thúc đẩy tình hình theo hướng có lợi và đón đúng thời cơ để khởi nghĩa thắng lợi.

Năm 1917, dưới sự chỉ đạo của V.I. Lênin, những người Bolshevik xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và Nhân dân lao động về phía cách mạng để lực lượng cách mạng đủ sức mạnh áp đảo lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Theo những chủ trương đó, đội ngũ cận vệ đỏ – lực lượng vũ trang nòng cốt của những người cách mạng ra đời. Đây là sáng tạo của V.I. Lênin, phát triển và hiện thực hóa lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Các đội cận vệ đỏ được xây dựng trên cơ sở tham gia tự nguyện của quần chúng. Khi tình thế cách mạng càng trở nên nóng bỏng, các đội cận vệ đỏ là lực lượng chính trị chủ đạo, là lực lượng quân sự nòng cốt, quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Từ giữa tháng 9/1917, V.I. Lênin đã nhận định: “Hiện nay, tình thế đã thay đổi khác hẳn. Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của Nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong Nhân dân…

Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta.”(2). Đến tháng 10/1917, đội ngũ Cận vệ đỏ đã có khoảng 200.000 người. Riêng ở Petrograt (nay là Saint Petersburg), đội ngũ Cận vệ đỏ có khoảng 20.000 người. Binh lính hạm đội Baltic cũng đã ngả về phía những người khởi nghĩa. Những người Bolshevik đã tập hợp, tổ chức được khối lực lượng cách mạng đông đảo. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Cuộc khởi nghĩa ở Petrograt nổ ra trong thời điểm những người Bolshevik không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù, trên cơ sở lực lượng đã được chuẩn bị chu đáo, trong tình thế cách mạng đã chín muồi.

Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(3).

Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, Nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4). Đội ngũ cán bộ của Đảng Cộng sản do Người sáng lập đã vận dụng sáng tạo lý luận đó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga 24 năm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) của Đảng cộng sản Đông Dương dành một phần riêng viết về “võ trang khởi nghĩa”, trong đó chỉ rõ những điều kiện “gây cuộc khởi nghĩa bằng võ trang” là:

1. Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc.

2. Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp-Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa.

3. Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị, lẫn quân sự.

4. Những điều kiện khách quan tiện lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng…

(5). Khi tình hình thế giới chuyển biến sẽ làm cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương càng chín muồi: “…Nhưng rồi đây tình thế chết đã đến chân, bắt buộc họ phải đứng dậy, liều chết vật lộn với quân giặc cướp nước. Lúc ấy cả thế giới như một nồi nước sôi và tình hình cách mạng Đông Dương bước những bước vĩ đại để dọn đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa mạnh mẽ”

(6). Theo định hướng của những chỉ dẫn đó, các tổ chức đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng cho giờ phút quyết định khởi nghĩa. Các tầng lớp quần chúng được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hóa cứu quốc… làm thành một Phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã có điều kiện để duy trì các đội du kích, xây dựng những khu căn cứ địa cách mạng, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng.

Lực lượng địch đã bị cô lập trong bầu không khí cách mạng đang ngày càng nóng dần lên. Các tổ chức thanh niên với số hội viên đông đảo, với tinh thần quả cảm và khí thế bốc cao, có hạt nhân lãnh đạo là những đảng viên cộng sản như Thanh niên tiền phong ở Sài Gòn, Thanh niên tiền tuyến ở Huế tuyên bố đứng trong hàng ngũ Việt Minh. Công chức, binh lính, cảnh sát trong chính quyền cũ đã hoang mang, dao động, một bộ phận đã ngả theo cách mạng.

Thời cơ lịch sử đã xuất hiện vào ngày 15/8/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh. Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và nhanh chóng phát đi lệnh Tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…

Chúng ta không thể chậm trễ”

(7). Với quyết tâm đó, cuộc tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 ở Hà Nội đã diễn ra nhanh gọn, triệt để và không đổ máu. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã châm ngòi cho nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác, nhất là tại các thành phố trung tâm đầu não như Huế, Sài Gòn, làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước chỉ trong hai tuần. Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam cũng lan nhanh với “tốc độ của điện tín” như cuộc khởi nghĩa Tháng Mười năm 1917.

Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại thành quả trực tiếp là sự ra đời Chính quyền Xô viết của Nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười còn chứng minh: Giành chính quyền đã khó, giữ vững được chính quyền còn khó hơn. Nước Nga sau nội chiến bị tàn phá nặng nề, bị bao vây.

Nạn đói và dịch bệnh làm trầm trọng hơn khủng hoảng kinh tế. Chính Nhân dân đã bảo vệ vững chắc Chính quyền Xô viết của họ qua ba năm nội chiến khốc liệt, chiến thắng các âm mưu can thiệp và lật đổ của các thế lực phản cách mạng, trong vòng vây các nước tư bản đế quốc.

Sức mạnh của khối liên minh công-nông đã làm nên sự phát triển vững mạnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, tạo nên những sự thay đổi mạnh mẽ trên bản đồ chính trị thế giới nhiều thập niên sau đó. Khối đoàn kết của Nhân dân Liên Xô đã làm nên bản anh hùng ca vệ quốc vĩ đại 1418 ngày khốc liệt, chiến đấu, hy sinh, góp phần quan trọng đưa loài người thoát khỏi tai họa phát-xít và ngọn lửa tàn khốc của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cũng giống như công cuộc bảo vệ và xây dựng Chính quyền Xô viết trước kia, Nhân dân của nước “Việt Nam mới” đã đồng lòng bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng của mình trong điều kiện vô cùng khó khăn: Vừa phải giữ hòa bình vừa phải kháng chiến; vừa đấu tranh chính trị, ngoại giao; vừa phải kìm chân quân địch; vừa phải đối phó với những âm mưu chống phá của bọn phản động tay sai thực dân, đế quốc; vừa phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, xây dựng cuộc sống mới, đẩy lùi nạn đói, nạn dốt…

Vượt qua bao khó khăn, thử thách, chính quyền cách mạng đứng vững và được củng cố về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể Nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình.”

(8). Từ Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc Việt Nam được giải phóng, thoát khỏi ách nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những nguyên lý sâu sắc về cách mạng giải phóng dân tộc của Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) V.I. Lênin: Toàn tập – (Tiếng Việt) Nxb Tiến bộ, Matscova, 1976, tập 26, tr. 447

(2) V.I. Lênin: Toàn tập – Sđd, 1977, tập 34, tr. 324

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr 304

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 2, tr. 289

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 129 – 130

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập – Sđd, tập 7, tr. 131

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 3, tr 596

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Sđd, tập 4, tr. 327

Theo nhandan.vn


Exit mobile version