Trong số những bệnh truyền nhiễm ở chó thì bệnh dại ở chó nằm trong nhóm bệnh nguy hiểm nhất. Hậu quả bệnh gây ra không chỉ nghiêm trọng với cún mà ngay cả đối với chính bản thân bạn và những người xung quanh. Vậy nên việc hiểu biết và nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh dại ở chó này là điều vô cùng cần thiết. Cùng Chợ Tốt Thú cưng tìm hiểu chi tiết ngay dưới đây!
Bệnh dại nguy hiểm như thế nào?
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus dại cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương trên chó. Vì có bản chất cấp tính nên bệnh chuyển biến nhanh và khó lường trước được nếu như bạn không biết cách đề phòng cho cún cưng của mình. Chó hầu như không có triệu chứng lúc mới nhiễm virus, tuy nhiên một khi lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100%.
Do có cơ chế lây nhiễm qua tuyến nước bọt nên bệnh dại còn là mối đe dọa lớn với con người. Tổ chức Y Tế Thế Giới xếp bệnh dại là một trong 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó với 96 – 97%. Tuy nhiên tỷ lệ chó được đưa đi tiêm phòng hàng năm vẫn còn thấp và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh dại ở loại vật nuôi này.
Nguồn gốc bệnh dại ở chó
Nguyên nhân gây ra bệnh dại ở chó là do loại virus dại (Rhabdovirus) thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae. Sức đề kháng ở virus dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ ở 56oC. Virus dại chết trong vòng 6 phút ở nhiệt độ 60oC và 1 phút ở 100oC. Trong điều kiện lạnh 4oC virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, dưới 0oC sống được từ 3 – 4 năm.
Ở nhiệt độ thường virus có thể sống được 1 – 2 tuần nên chúng có thể tồn tại lâu trong nước bọt của cún cưng nhà bạn. Cho nên khi chó bị nhiễm virus mà không phát hiện kịp thời để đề phòng thì rất khó đề phòng.
Có 2 chủng virus dại bao gồm: virus dại đường phố (virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh) và virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Chủng virus dại cố định được nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm, đã làm giảm hoặc mất độc lực và không gây bệnh dại, được dùng để điều chế vaccin vì có cùng kháng nguyên với virus dại đường phố.
Bệnh dại của chó có thể lây truyền qua những con đường nào?
Bệnh dại có thể lây truyền qua khi cún cưng nhà bạn bị cắn hay bị thương bởi các loại động vật mắc bệnh dại khác; virus dại cũng có thể xâm nhập vào cơ thể chó qua các vết thương hở khi tiếp xúc với nước bọt có chứa virus dại; hoặc khi cún vẫn chưa bị bệnh nhưng mắt của bé tiếp xúc với nước bọt của động vật mắc dại khác.
Virus dại chỉ lây bệnh cho những động vật máu nóng như chó, mèo, con người… Ngay khi xâm nhập vào cơ thể chó, virus dại bắt đầu tăng sinh tại các mô, cơ rồi sau đó theo dây thần kinh ngoại biên tiến đến thần kinh trung ương gây viêm màng não, làm tổn thương hành não, tủy sống.
Từ đó virus cũng theo đường dây thần kinh đến tuyến nước bọt và tản ra. Virus có trong nước bọt chó mắc bệnh khoảng 10 ngày trước khi phát bệnh.
Các giai đoạn trong bệnh dại và nhận biết triệu chứng bệnh dại ở chó qua từng thời kỳ
Theo dõi và nhận biết kịp thời các triệu chứng bệnh dại ở chó giúp chúng ta chủ động hơn để cách ly và phòng tránh nguy cơ bệnh lây nhiễm sang thú cưng khác cũng như con người. Theo đó, có các giai đoạn bệnh dại ở chó với biểu hiện cụ thể như sau:
Giai đoạn ủ bệnh
Trong thời kỳ ủ bệnh virus mới chỉ bắt đầu cư trú ở các mô, cơ trong nhiều ngày thậm chí vài tháng. Thời kì này chó vẫn khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu nào về bệnh. Thời gian ủ bệnh dại ở chó kéo dài trong khoảng từ 7 ngày đến vài tháng tùy vào từng loài, độc lực hoặc vị trí lây nhiễm.
Ví dụ như ở chó con sức đề kháng thấp thời gian ủ bệnh sẽ nhanh hơn và chuyển sang giai đoạn mới. Trung bình thời gian này là mười ngày. Đối với giống chó cảnh có sức đề kháng kém hơn, thời gian ủ bệnh sẽ ngắn và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phát bệnh. Vì thế hãy hết sức để ý tới những em cún nhà bạn nhé.
Lúc này bệnh dại ở cún thể hiện ở sự thay đổi hành vi thông thường như: dễ kích động hơn thường ngày, đớp vào không khí vì nhầm tưởng có người đứng trước nó, tiết nhiều nước bọt, phản ứng với bạn trở nên đề phòng hoặc ngược lại vồn vã quá mức.
Các biểu hiện trên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên chẩn đoán bệnh trong thời kỳ này là vô cùng khó khăn. Vậy nên nếu phát hiện ra biểu hiện bất thường ở thú cưng thì bạn nên đưa bé đến cơ sở thú y gần nhất để có những chẩn đoán và tư vấn chuẩn xác hơn. Đừng bỏ qua bất cứ một triệu chứng nào vì nếu để càng lâu thì càng nguy hiểm.
Giai đoạn phát bệnh
Ở giai đoạn tiếp theo, khi virus dại bắt đầu thâm nhập vào trung tâm thần kinh trung ương, chó sẽ có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt hơn. Thời kì này được gọi là thời kỳ toàn phát cùng với đó là biểu hiện ở hai thể: thể cuồng, thể liệt. Chó có thể có triệu chứng ở cả hai thể hoặc chỉ một. Biểu hiện hai thể như sau:
Thể cuồng
Chó bắt đầu có những phản ứng thái quá và điên loạn
– Chó sẽ phản ứng với tất cả những thứ kích thích đến thần kinh của chúng kể cả nước, nắng, gió…
– Trở nên nổi loạn, xuất hiện những hành vi cực đoan như đào thoát, tấn công người nhà.
– Các vết thương hở nổi ngứa khiến chó liếm, cắn hoặc cào cho đến khi rụng lông, chảy máu.
– Chúng sẽ tìm cách chạy thoát, cắn phá lồng chuồng và khi trốn thoát được chó sẽ lao đến tấn công cắn xé bất cứ mục tiêu nào trên đường đi.
Virus bắt đầu xâm nhập cơ quan thần kinh như tủy sống gây liệt ở chó
Cún bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bị liệt ở một vài bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là liệt hàm dưới và lưỡi, lười thè ra dẫn đến chảy nước dãi liên tục hay thậm chí là sùi bọt mép. Vì bị liệt hàm nên chúng không thể ăn hay uống dẫn đến suy nhược nhanh chóng chỉ sau vài ngày.
Chó chết trong khoảng 3 – 7 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Nguyên nhân là tổn thương thần kinh trung ương dẫn đến liệt cơ hô hấp và kiệt sức do không ăn uống được. Thể dại điên cuồng chỉ chiếm 25% trong các trường hợp chó mắc bệnh dại, còn lại là thể câm
Thể dại câm (thể thầm lặng)
Ở thể dại câm chó không có biểu hiện điên loạn như ở thể cuồng. Chúng chỉ buồn bã, ủ rũ, hay trốn vào góc nhà và trở nên xa lánh đối với mọi người trong gia đình. Chó ở thể thầm lặng cũng có thể bị bại liệt một phần cơ thể như hai chân hoặc nửa người sau nhưng thường gặp nhất vẫn là liệt cơ hàm.
Ở những trường hợp liệt cơ hàm, miệng của chúng luôn mở, hãm trễ và lưỡi thè ra ngoài để nước miếng chảy tự do không kiểm soát được.
Cách chẩn đoán chính xác bệnh dại ở chó
Nếu nghi ngờ chó đang có biểu hiện bị bệnh dại, hãy ngay lập tức cho cún vào lồng riêng, tránh tiếp xúc trực tiếp. Sau đó đưa cún đến cơ sở thú y gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán.
Phương pháp chẩn đoán xác định virus dại chính xác nhất hiện nay là xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp từ mô não. Để thực hiện xét nghiệm, cần lấy não của chó gửi tới các cơ sở y tế để sinh thiết và xét nghiệm. Vậy nên phương pháp chẩn đoán xác định chỉ được sử dụng khi cún của bạn đã chết.
Khi chó bạn chết sau một thời gian bỏ ăn, ủ rũ hay không rõ lý do, để chắc chắn nguyên nhân chết của cún có phải mắc bệnh dại thể dại câm hay không cũng như xác định nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh dại đối với các thành viên trong gia đình. Bạn có thể đăng ký xét nghiệm ở các trung tâm y tế thú y, nên giữ nguyên xác của cún để nhân viên y tế lấy giúp mẫu sinh thiết.
Độ chính xác của phương pháp này khoảng 98%, đối với 2% còn lại cho kết quả xét nghiệm âm tính giả. Trong trường hợp này bạn có thể xét nghiệm thêm một lần nữa theo phương pháp tiêm truyền qua động vật thí nghiệm, 21 ngày sau sẽ có kết quả. Lúc này bạn sẽ phải trả thêm chi phí cho lần xét nghiệm thứ hai.
Chó bị mắc bệnh dại có cứu được không?
Hiện tại chưa có thuốc cũng như phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh dại ở chó. 100% chó sẽ chết khi đã xuất hiện những triệu chứng ở thời kỳ toàn phát. Vậy nên bệnh dại ở chó là căn bệnh bạn không nên chủ quan và coi thường, phòng bệnh là cách duy nhất để tránh khỏi những tình huống thương tâm này cho cún cưng của bạn.
Phòng bệnh dại cho chó cưng của bạn như nào?
Tiêm vaccin phòng bệnh
Để đề phòng bệnh dại ở chó, bạn nên đưa cún tiêm phòng định kỳ hàng năm. Riêng chó con nên tiêm lần đầu khi được 4 tuần tuổi, nếu như chó mẹ đã được tiêm phòng thì tiêm vào thời điểm chó được 3 tháng tuổi, sau đó tiêm định kỳ mỗi năm một lần.
Hạn chế cho thú cưng tiếp xúc với những nơi có nguy chứa mầm bệnh dại
– Bạn nên thường xuyên giám sát chó, không để chó chạy rông. Nếu mang ra ngoài nên được rọ mõm và luôn phải có người để ý, theo dõi, tránh trường hợp chó tiếp xúc với mầm bệnh dại từ bên ngoài.
– Không nên để chó liếm vào vết thương hở, vết ghẻ trên người.
– Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, khử trùng quanh khu vực nơi thú nuôi, động vật bị nghi mắc dại.
– Tuyệt đối không mua, bán chó từ vùng đang có dịch sang có vùng không có dịch.
Nâng cao nhận thức của bản thân cũng như những người xung quanh
– Phòng tránh bằng cách tuyên truyền và tham gia các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về bệnh dại ở chó. Chia sẻ các bài viết về bệnh dại ở chó với những chủ nuôi khác.
– Phát động thói quen đưa cún đi tiêm phòng định kỳ với các chủ nuôi gần nhà, tạo môi trường an toàn xung quanh cún cưng của bạn. Nếu bạn không biết nên đem cún yêu nhà bạn tiêm phòng ở đâu thì bạn có thể tham khảo qua bài viết: Tiêm phòng cho chó ở đâu? Một số dịch vụ tiêm phòng uy tín
Cách xử lý khi phát hiện chó của bạn có nguy cơ bị mắc bệnh dại
– Khi phát hiện cún cưng có những biểu hiện bất thường như quá hưng phấn hay quá buồn bã, bỏ ăn, ít ăn…nên xích nhốt, trông giữ cẩn thận và đưa đến cơ sở thú y gần nhất
– Trong trường hợp cún nhà bạn bị cắn bởi các thú nuôi hay động vật hoang dã khác. Liên lạc với bác sĩ thú ý để xử lý vết thương và tiêm vacxin phòng bệnh cho chó.
– Không nên vì quá lo lắng mà tự ý rửa vết thương cho cún khi không mang găng tay bảo hộ.
– Báo lên cơ sở thú y nếu phát hiện đám chó hoang tụ tập để khoanh vùng và thực hiện các phương pháp phòng chống phù hợp.
– Nếu bạn phát hiện ra chó hoang hay chó chạy rông ở bên ngoài có những biểu hiện bất thường giống với triệu chứng của bệnh dại, hãy gọi cho cơ sở thú y gần nhất hoặc trạm kiểm soát động vật. Không nên một mình tự ý bắt nhốt chó, thay vào đó hãy giữ khoảng cách và cảnh báo với những người xung quanh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh dại ở chó, giúp bạn có thêm nhận thức về mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như nguyên nhân, biểu hiện, cách chẩn đoán. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm không chỉ đối với cún cưng của bạn mà cả với những người xung quanh. Cho nên, hãy chủ động phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khoẻ cho cún cưng và bản thân.
Và đừng quên theo dõi các bài viết của Chợ Tốt Thú Cưng để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích về cách chọn mua cũng như chăm sóc thú cưng bạn nhé. Chúc bạn thành công!
Ngoài ra, kênh mua bán thú cưng Chợ Tốt hiện đang có rất nhiều chó cảnh giá rẻ đang được mua bán, trao đổi mỗi ngày. Nếu bạn đang tìm mua hoặc bán thì đây là một nơi lý tưởng để kết nối với người đang có nhu cầu bán và mua chó cảnh.