#NuôiConBằngSữaMẹ #BảoQuảnSữaMẹ #TrữSữaĐông #KĩNăngNuôiCon #TíchTrữSữaMẹ
Bài viết giúp các mẹ hiểu rõ hơn về quy trình bảo quản và trữ sữa mẹ, cũng như những điều nên và không nên khi làm điều này. Cùng tìm hiểu cách bảo quản sữa mẹ an toàn và hiệu quả nhất với những kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả.
Biết cách trữ sữa cho bé an toàn là một kĩ năng cần được mẹ trang bị từ sớm để chuẩn bị chu đáo nhất khi muốn nuôi con bằng sữa mẹ.
Sữa mẹ nên được tích trữ bằng loại dụng cụ như thế nào?
Vật dụng tốt nhất để trữ sữa cho bé nên làm từ chất liệu thủy tinh hoặc nhựa cứng không chứa Bisphenol A (BPA). Tuyệt đối không dùng các loại túi ni lông hoặc hộp nhựa, bình nhựa kém chất lượng để đựng sữa cho bé trong tủ đông.
Túi trữ sữa chuyên dụng được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn cao, không chứa chất có hại cho trẻ nhỏ như BPA, cách sử dụng dễ dàng và tiết kiệm diện tích cho tủ chứa nên cũng là lựa chọn phổ biến nhất của các mẹ. Tuy nhiên, nhược điểm là nó có thể bị rách, bị hở và dễ bị nhiễm khuẩn.
Nếu có tủ trữ đông chuyên dụng, mẹ có thể dùng các loại bình trữ sữa, như vậy khi hâm sữa cho bé bú cũng sẽ tiết kiệm thời gian hơn tiện lợi hơn so với trữ sữa trong túi trữ sữa.
Để tích trữ sữa tốt nhất các mẹ cần để các túi sữa vào trong một chiếc hộp và đậy kín nắp. Không nên để chung sữa với các loại thực phẩm khác trong tủ đông.
Làm thế nào để cất trữ sữa mẹ tốt nhất?
Ghi ngày lấy sữa vào dán nhãn trên túi trữ sữa hoặc dán nhãn chống nước trên bình trữ sữa trước khi bỏ vào tủ đông. Nếu trữ sữa chung với người khác thì mẹ cần ghi cả tên em bé nữa. Tủ đông và tủ lạnh đều có sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể ở các vị trí khác nhau, phía sâu bên trong tủ là nơi có nhiệt độ thấp nhất và ổn định nhất.
Mỗi vật dụng dùng để tích trữ chỉ nên chứa lượng sữa mẹ đủ cho một cữ ăn của em bé. Với lần tích trữ đầu tiên, người mẹ có thể thử bắt đầu với thể tích từ 2 đến 4 ounce (~ 59 – 118 ml), sau đó sẽ tùy thực tế mà điều chỉnh. Mẹ cũng có thể để vài túi sữa dung tích từ vài chục ml để dự phòng trong những trường hợp cần thiết. Sữa mẹ khi trữ đông sẽ nở ra do đó không nên để sữa quá đầy trong vật dụng trữ sữa để bảo đảm vệ sinh, tránh rách túi hoặc nứt vỡ bình sữa.
Liệu có thể thêm sữa mới lấy vào phần sữa đã tích trữ trước đó không?
Người mẹ hoàn toàn có thể cho thêm phần sữa mới lấy vào trữ cùng với phần sữa đã được trữ trước đó trong tủ lạnh hoặc tủ đông (nhưng phần sữa mới lấy phải được lấy trong cùng một ngày với phần sữa đã được tích trữ trước).
Tuy nhiên, sữa mới lấy có nhiệt độ cao do đó sẽ làm tan phần sữa trữ đông, là nguyên nhân khiến chất lượng sữa không bảo đảm, do đó mẹ cần làm mát sữa mới lấy trong tủ mát hoặc nước đá rồi mới cho vào cùng túi sữa trữ đông.
Sữa mẹ có thể được tích trữ trong thời gian bao lâu?
Thời gian sữa mẹ có thể dùng tốt cho bé mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng tốt nhất tùy thuộc vào cách thức bảo quản sữa mẹ :
- Tích trữ ở nhiệt độ phòng: sữa mẹ mới hút ra có thể để trong phòng trong 6 giờ, tuy nhiên tốt nhất nên dùng trước 4 giờ và nếu điều kiện thời tiết nóng bức thì chỉ nên dùng ngay từ 4 – 3 giờ.
- Tích trữ trong máy làm mát cách nhiệt: sử dụng máy làm mát cách nhiệt với đá có thể giúp bảo quản sữa mẹ trong vòng một ngày.
- Tích trữ trong tủ lạnh: nếu đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh và bình sữa thì sữa mẹ có thể để từ 3 – 5 ngày trong tủ lạnh, tuy nhiên tối ưu nhất vẫn là dùng sữa trong vòng 3 ngày.
- Tích trữ trong tủ đông : tùy theo nhiệt độ của tủ đông từ – 18 độ có thể bảo quản sữa trong 6 tháng, – 30 độ có thể trữ sữa trong 1 năm. Tuy nhiên tối ưu nhất vẫn là dùng trước khi sữa để được 6 tháng.
Muốn rã đông sữa mẹ đã tích trữ phải làm như thế nào?
Hãy luôn nhớ lấy phần sữa được cất trữ lâu nhất ra sử dụng trước (tuân theo nguyên tắc cất trước thì sử dụng trước).
Nếu sữa được bảo quản trong tủ đông, hãy nhớ chuyển phần sữa định sử dụng vào tủ lạnh qua đêm để có thể sử dụng vào ngày hôm sau.
Rã đông sữa bằng cách cho túi sữa dưới vòi nước nóng đang chảy hoặc ngâm trong bát nước nóng sẽ tốt hơn để bảo tồn những phân tử sữa giá trị, các kháng thể trong sữa. Không nên đun nóng sữa bởi sữa sẽ bị nóng lên không đều có thể khiến cho bé bị bỏng khi bú sữa.
Sữa đã rã đông cần dùng ngay sau 24 h và không được đông đá trở lại, đây cũng là những thông tin được các chuyên gia sữa mẹ khuyến khích các mẹ áp dụng để nuôi con bằng sữa trữ đông.