Hiện nay, tại một số đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp đặc thù, hệ số lương quyết định đến mức lương hàng tháng mà bạn nhận được. Vậy hệ số lương là gì? Hệ số lương cơ bản là gì? Cách tính lương cơ bản như thế nào là chính xác nhất? Hãy cùng Việc Làm Tốt tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Hệ số lương là gì?
Hệ số lương là chỉ số dùng để áp dụng tính mức lương cơ bản cho người lao động ở các cấp bậc, trình độ cụ thể khi làm việc tại các đơn vị hành chính nhân sự hoặc một số doanh nghiệp đặc thù.
Sự chênh lệch giữa tiền lương của từng vị trí công việc trong các tổ chức, doanh nghiệp chính là một trong các yếu tố cơ bản để xây dựng bảng lương. Qua đó làm cơ sở để tính tiền lương, tiền làm thêm giờ, chế độ bảo hiểm cùng nhiều yếu tố khác cho người lao động trong quá trình làm việc.
Các doanh nghiệp không thuộc nhà nước không áp dụng cách tính lương theo hệ số lương. Tuy nhiên, một số nơi cũng dựa vào đây để xây dựng và điều chỉnh bảng lương tương ứng. Từ đó đảm bảo chi trả mức lương hợp lý, đúng luật và cân đối mức sinh hoạt tối thiểu cho người lao động.
Cách tính lương cơ bản 2021
Cách tính lương cơ bản của người lao động làm việc trong nhà nước và ngoài nhà nước không hề giống nhau. Vì vậy, Chợ Tốt Việc Làm sẽ chia thành hai cách tính để bạn dễ dàng theo dõi.
Với người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước
Mức lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương |
Trong đó:
- Mức lương cơ sở được điều chỉnh dựa theo các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại thời điểm được quy định. Hiện nay, mức lương cơ bản đang được áp dụng là 1.490.000 đồng.
- Hệ số lương được quy định theo pháp luật ở từng nhóm cấp bậc khác nhau. Tùy theo từng cấp bậc, trình độ cụ thể mà được quy định chi tiết theo bảng dưới đây:
Cập bậc, trình độ | Hệ số | Mức lương cơ bản |
Hệ số lương đại học | 2,34 | 1.490.000 x 2,34 – 3.486.600 đồng/tháng |
Hệ số lương cao đẳng | 2,10 | 1.490.000 x 2,10 = 3.129.000 đồng/tháng |
Hệ số lương trung cấp | 1,86 | 1.490.000 x 1,86 = 2.771.400 đồng/tháng |
Tuy nhiên, đây là hệ số dành cho những sinh viên mới ra trường. Hệ số này có thể tăng lên theo từng cấp bậc công việc, tối thiểu các bậc sẽ chênh lệch nhau 5%. Bên cạnh đó, ngoài mức lương cơ bản của mỗi ngành nghề thì người lao động còn được nhận thêm các khoản trợ cấp khác theo hệ số tương ứng đã được quy định. Khi đó, mức thu nhập hàng tháng của người lao động sẽ tăng lên đáng kể.
Ví dụ, giáo viên mầm non tốt nghiệp trung cấp mầm non thuộc bậc lương 1, hệ số lương là 1,86. Mức lương cơ bản mà vị trí này nhận được là 2.771.400 đồng/ tháng. Tuy nhiên, giáo viên mầm non còn được hưởng các trợ cấp khác, bao gồm: 35% phụ cấp ưu đãi nghề, 20 – 70% phụ cấp thu hút, 30 – 100% phụ cấp đặc biệt. Ngoài ra, còn có phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân hoặc giáo viên dạy người khuyết tật.
Với người lao động làm việc ngoài cơ quan nhà nước
Không giống với cán bộ, công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, hệ số lương cơ bản 2021 của người lao động trong doanh nghiệp được tính theo hai cách sau:
Cách 1: Dựa trên mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hàng năm
Theo đó, mức lương mà người sử dụng lao động trả lương cho người lao động không được thấp hơn mức lương quy định tối thiểu này. Mức lương tối thiểu không thay đổi vào năm 2021 và được quy định rõ ràng tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP như sau:
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng I, mức lương áp dụng là 4.420.000 đồng/tháng.
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng II, mức lương áp dụng là 3.920.000 đồng/tháng.
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng III, mức lương áp dụng là 3.430.000 đồng/tháng.
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng IV mức lương áp dụng là 3.070.000 đồng/tháng.
Ví dụ, nhân viên A làm công nhân tại một xí nghiệp ở TPHCM. TPHCM thuộc vùng I nên mức lương cơ bản tối thiểu mà A nhận được là 4.420.000 đồng/tháng. Mức lương này chưa bao gồm các phụ cấp, trợ cấp, tiền tăng ca mỗi tháng mà A nhận được từ doanh nghiệp.
Cách 2: Dựa theo hệ số KPI
Đây là cách tính lương được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều doanh nghiệp nhờ khả năng thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất và thời gian làm việc của người lao động. Hai phương pháp được áp dụng để tính lương theo hệ số KPI chính là 2P và 3P.
Phương pháp 2P là phương pháp trả lương theo vị trí công việc và kết quả công việc. Cụ thể, phương pháp tính lương này giúp doanh nghiệp trả lương cố định dựa theo vị trí chức danh và kết quả công việc mà nhân viên đạt được.
Lương 2P = P1 + P3.
Phương pháp 3P là phương pháp trả lương đúng với khả năng và giá trị mà người lao động mang lại cho doanh nghiệp dựa theo 3 yếu tố chính: vị trí công việc, năng lực cá nhân và kết quả công việc nhận được.
Lương 3P = P1 + P2 + P3.
Trong đó:
- P1 (Pay for Position): Lương theo vị trí công việc.
- P2 (Pay for Person): Lương theo năng lực làm việc của người giữ vị trí công việc.
- P3: (Pay for Performance): Lương cho kết quả đạt được của người giữ vị trí công việc.
Lương theo hệ số được điều chỉnh khi nào?
Cách tính lương hệ số căn cứ theo hai yếu tố chính: mức lương cơ sở và hệ số lương hiện hưởng. Theo đó, hệ số lương càng cao thì bậc càng cao, nhóm được xét có trình độ càng cao thì giữ vị trí càng quan trọng.
Ngoài ra, mức lương cơ bản cũng được nhà nước điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế của từng vùng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sống và sinh hoạt của người lao động.
Như vậy, hệ số lương được điều chỉnh theo quy định của nhà nước và theo năng lực cũng như thâm niên làm việc của người lao động.
Lương cơ bản có phải là lương đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải là mức lương, phụ cấp lương cùng các khoản bổ sung khác. Trong đó:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh là lương trong bảng lương được người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của Điều 93 Bộ Luật lao động. Mức lương này chưa bao gồm các khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp từ doanh nghiệp.
- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp của doanh nghiệp dành cho người lao động về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, tính chưa đầy đủ mức lương theo công việc hoặc vị trí chức danh theo bảng lương.
- Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp thưởng, có liên quan đến quá trình thực hiện công việc hoặc chức danh quy định trong hợp đồng lao động.
Dựa theo các định nghĩa vừa được liệt kê ở trên, lương cơ bản không phải là mức lương bị bắt đóng bảo hiểm xã hội bởi nó chưa bao gồm phụ cấp lương và những khoản bổ sung khác nếu có.
Trên đây là toàn bộ thông tin về hệ số lương cùng các thông tin liên quan đến vấn đề này mà Việc Làm Tốt muốn chia sẻ tới bạn. Hy vọng thông qua những thông tin trong bài viết trên, bạn có thể tự tính được mức lương bản thân, qua đó nỗ lực làm việc để nâng hệ lương của mình lên mức cao hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Đừng quên chia sẻ bài viết nếu bạn cảm thấy thông tin trong bài hữu ích nhé!